Thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nằm tách biệt giữa 4 bề sông nước. Bao đời nay, phương tiện đi lại của cả ngàn người dân nơi này chủ yếu bằng đò ngang. Mấy năm gần đây, nhân dân tự thiết kế xây dựng chiếc cầu phao bắc qua sông, nhưng đã bị lũ cuốn trôi hồi tháng 11 vừa rồi.
Để đảm bảo đi lại, bà con thôn Đông Bình tự nguyện góp tiền đắp đường ngang sông, một quyết định táo bạo mà từ bao đời nay chưa ai dám nghĩ đến. Ban vận động của thôn đã huy động đóng góp người thì vài triệu đồng; người năm, bảy trăm nghìn đồng, gia đình nghèo thì góp vài bụi tre.
Quảng Nam dân nghèo góp tiền mở đường vượt sông (Ảnh minh họa)
Gia đình ông Võ Đức Thịnh thuộc diện nghèo của thôn, bản thân ông bị bại liệt, thu nhập từ dệt chiếu vài chục nghìn đồng mỗi ngày, nhưng ông cũng hăng hái tham gia việc chung của làng.
“Gia đình tôi khó khăn cho nên cũng có đóng góp 500 với lại bụi tre, chung nhau góp sức vô làm để cho có đường để đi. Trước hết là con em đi học. Thứ hai nữa bà con đi làm ăn xa đi qua đi lại đò giang cực lắm”,ông Thịnh cho biết.
Để làm được con đường dài 250 mét nối hai thôn Đông Bình và Hà My, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, người dân sử dụng trên 3.000 cây tre, đóng cọc thành 2 dãy dài song song rộng 16 m.
Sau đó đan phên liếp rồi trải ni lông làm vách ngăn, hút cát từ lòng sông đổ vào lòng đường. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành trong vòng 1 tháng, với tổng kinh phí khoảng 300 triệu đồng.
Ông Lê Hoặc, Trưởng ban vận động xây dựng đường giao thông thôn Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Trong tương lai, Nhà nước cho được đá hoặc bê tông chi đó mình kè hai bên thì càng tốt. Nhưng trước mắt bạn tui làm theo thủ công, hút cát vô hai bên để mình trồng sậy, trồng dừa, trồng dúi. Bà con thì ở đây ví dụ như họ 1 triệu thì có khi hôm nay họ đem đến nộp 300- 400 trăm, có người họ nộp 2, 3 lần mới đủ. Vì đồng tiền ở đây là như vậy”.
Trước Tết Nguyên Đán này, tuyến đường sẽ hoàn thành. Người dân ốc đảo Đông Bình, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam lần đầu tiên giao lưu với bên ngoài bằng con đường đất, niềm vui xuân mới sẽ được nhân lên gấp bội.