|
Các nhà xe đều tăng chuyến dịp Tết khiến lái xe chịu nhiều áp lực |
Nguy cơ “cháy” tài xế
Khi hỏi các doanh nghiệp vận tải lấy đâu thêm xe, thêm lái tăng cường trong dịp Tết phục vụ nhu cầu đi lại chắc chắn tăng cao của người dân, PV thường nhận được câu trả lời chung chung rằng “chúng tôi phải có kế hoạch chứ”. Trên thực tế, hiếm doanh nghiệp nào chịu thuê thêm lái bên ngoài để tăng cường.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan quản lý cấp lệnh cho các xe tăng cường, bổ sung. Các doanh nghiệp vận tải bắt buộc tăng cường thêm lái xe. Đã là xe khách khi lưu thông phải có 2 lái xe chính, tránh tình trạng xe chỉ có một tài xế, lái liên tục trong ngày gây mất ATGT đường bộ. Ngoài ra, Bộ GTVT đang rà soát, kiểm tra vấn đề quản lý Nhà nước về điều kiện kinh doanh vận tải. |
Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Vĩ Đức - Công ty Vận tải ô tô Thái Bình cho biết, Tết đến, đâu đâu cũng có nhu cầu thêm xe, thêm lái, song doanh nghiệp “sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể, xe nào khỏe, lái nào khỏe mới huy động, chứ không có ai liều cả”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN khẳng định: Các doanh nghiệp đều có kinh nghiệm huy động xe, huy động người lái phục vụ Tết. Việc phải quay vòng phương tiện là điều chắc chắn xảy ra. Ở chừng mực nào đó lái xe sẽ cũng phải làm việc nhiều hơn.
Ông Vũ Văn Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH vận tải Hoàng Long đề xuất: Để bảo đảm an toàn, cần có quy định 2 lái chính cùng có bằng E, cho mỗi chuyến xe đường dài.
Có 2 người lái, tài xế có thể thay phiên nhau nghỉ khi mệt mỏi, buồn ngủ. Hơn nữa, áp lực tự nhiên cũng giảm bớt khi người lái xe biết mình luôn có thể được giảm tải, được trợ giúp. Thực tế đa số doanh nghiệp chạy đường dài hiện nay chỉ có 1 lái, 1 phụ. TNGT xảy ra phần nhiều là khi lái xe ngủ để cho phụ xe cầm lái.
Khó kiểm soát lái xe quá giờ
Nói về thực trạng lái xe khách làm việc nhiều giờ, ngủ vạ vật trên xe, ríu mắt khi cầm vô lăng, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, rất khó xác định lỗi lái xe quá giờ. Hiện nay, nếu để CSGT, Thanh tra Giao thông xử lý lỗi lái xe quá thời gian là khó vì không thể xác định được hành vi vi phạm. Về nguyên tắc, các tuyến có thời gian chạy xe dưới 10 giờ, DN được phép chỉ bố trí 1 lái. Sau 4 giờ lái liên tục, lái xe có thể nghỉ ngơi, uống cà phê hay ngủ 10-15 phút rồi lái tiếp là không vi phạm. Thời gian họ không lái mà ngồi hay ngủ trên xe là thời gian nghỉ ngơi, không coi đó là thời gian làm việc. Việc ngủ trên xe là đặc thù công việc. Thực tế, rất ít DN cho lái xe được ngủ tại trạm dừng nghỉ, thay hẳn lái xe khác.
Tuy nhiên, theo ông Quyền, những bất cập trong quản lý vận tải này tới đây sẽ được sửa đổi tại Nghị định 91 và 93 về điều kiện kinh doanh vận tải gắn với trách nhiệm của chủ doanh nghiệp. Ngoài ra, nghị định cũng sửa đổi theo hướng tăng trách nhiệm cho các bến xe.