|
Đơn vị chủ quản sẽ phải chịu trách nhiệm khi xảy ra vi phạm thay vì đổ hết lỗi cho lái xe như trước đây. |
Nêu đích danh từng trách nhiệm phải thực thi
Thông tư số 55/2013/TT-BGTVT “Quy định trách nhiệm và xử lý vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ” vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành trong bối cảnh Bộ GTVT tập trung tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn vận tải đường bộ.
Theo ông Khuất Việt Hùng - Vụ trưởng Vụ Vận tải, quan điểm của Bộ trưởng khi ban hành Thông tư này là: “Vi phạm lớn nhất xảy ra ở trong phòng máy lạnh. Trách nhiệm thuộc về người có chức trách cao nhất”. Do đó, Thông tư đặt nặng vấn đề trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan Nhà nước và công chức thực thi nhiệm vụ.
Hai cơ quan quản lý Nhà nước về vận tải đường bộ là Tổng cục Đường bộ VN và Sở GTVT được nêu đích danh từng trách nhiệm phải thực thi. Việc xử lý trách nhiệm đối với cá nhân Tổng cục trưởng, Giám đốc Sở, công chức trực tiếp thi hành nhiệm vụ khi chức trách không hoàn thành cũng được Thông tư quy định rõ.
Cụ thể, Tổng cục Đường bộ VN được quy định 7 nhiệm vụ như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Triển khai, tập huấn và hướng dẫn đầy đủ, kịp thời tới các Sở GTVT; Thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu và cung cấp thông tin về kinh doanh vận tải ô tô; Lập và trình Bộ GTVT quy hoạch mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, hệ thống trạm dừng nghỉ; công khai quy trình thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan đến cấp phép vận tải. Giao nhiệm vụ quy định trách nhiệm, quyền hạn cụ thể cho từng bộ phận, cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp tham gia; thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; báo cáo theo quy định. Sở GTVT cũng được quy định rõ 7 nhiệm vụ tương tự ở cấp địa phương.
Cá nhân Tổng cục trưởng, Giám đốc Sở GTVT phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh và pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Đình chỉ khai thác nếu phát hiện vi phạm
Doanh nghiệp vận tải được coi là chủ thể của nhiều hành vi vi phạm về trật tự an toàn vận tải, thay vì người lái xe như trước đây. Do đó, theo ông Khuất Việt Hùng, nếu phát hiện sai phạm sẽ đình chỉ hoạt động trong một thời hạn để doanh nghiệp phải chấn chỉnh lại.
Theo Thông tư 55, đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe hợp đồng, du lịch, xe chở container sẽ bị đình chỉ khai thác, bị tước phù hiệu trong vòng 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng theo từng lỗi vi phạm.Có tới khoảng 30 lỗi vi phạm có thể bị đình chỉ hoạt động.
Đơn cử, doanh nghiệp, HTX sẽ bị đình chỉ khai thác tuyến cố định và thu hồi văn bản chấp thuận khai thác tuyến từ 1-3 tháng khi: Thực hiện dưới 70% số chuyến xe theo biểu đồ chạy xe đã được phê duyệt trong 1 tháng; Không cung cấp hoặc cung cấp sai lệch các thông tin bắt buộc theo quy định từ hộp đen; Trong 12 tháng khai thác tuyến liên tục, số lượng xe trên tuyến bị thu hồi phù hiệu có thời hạn 1 tháng từ 30% trở lên...
Thông tư 55 cũng quy định thu hồi phù hiệu, biển hiệu 6 tháng đối với xe sử dụng phù hiệu, biển hiệu không đúng quy định hoặc cố ý làm sai lệch các thông tin đã được ghi trên phù hiệu, biển hiệu. Trường hợp không có hợp đồng vận chuyển, hợp đồng lữ hành, chương trình du lịch nhưng vẫn thực hiện giao dịch sẽ bị xem xét thu hồi phù hiệu, biển hiệu 1 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng với taxi, không có hộp đèn trên nóc xe, có gian lận trong việc tính tiền trên đồng hồ tính tiền...
Các xe chở khách du lịch, xe hợp đồng, chở hàng hóa bằng container khi trích xuất dữ liệu từ hộp đen cho thấy trong 1 tháng có từ 20% số chuyến xe vi phạm quy định về tốc độ trở lên hoặc có từ 10% số chuyến xe có lái xe vi phạm quy định về thời gian lái xe trở lên cũng bị xem xét thu hồi biển hiệu, phù hiệu.
Ông Trần Quang Bình - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) đang hoàn thiện trung tâm thông tin thu được từ hộp đen của lái xe. Khi hoàn thiện, có thể theo dõi, phát hiện vi phạm của 48.000 xe có lắp thiết bị GSHT. Xử phạt nguội từ hộp đen là biện pháp xử lý vi phạm của cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông, độc lập với biện pháp xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan cảnh sát giao thông.
Theo ông Nguyễn Vĩ Đức - Công ty CP Vận tải ô tô Thái Bình, các quy định mới này đều rất cần thiết để ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh vận tải.