Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó tổng cục trưởng Tổng Cục đường bộ VN (Bộ GTVT) đã có cuộc trao đổi với báo giới xung quanh vấn đề này.
- Chỉ trong thời gian ngắn vừa qua, hai trạm cân ở Hà Nam và Thừa Thiên Huế bị lái xe phá hỏng đang khiến dư luận lo ngại về hoạt động của các trạm cân còn lại, quan điểm của ông về vấn đề này như nào, thưa ông?
Hai trạm cân bị xe ôtô làm hư hỏng là do lái xe chủ động điều khiển phương tiện với tốc độ cao lao vào trạm cân làm thiết bị hư hỏng, thể hiện rõ ý đồ phá hoại tài sản Nhà nước
Những đối tượng này làm như vậy là nhằm mục tiêu để các lực lượng chức năng không kiểm soát được tải trọng xe giúp xe đi phía sau tiếp tục chở hàng quá tải đem lại lợi nhuận nhưng sẽ gây hư hỏng hệ thống cầu đường mất ATGT, tạo sự bất bình và bức xúc trong dư luận xã hội.
Với chế tài hiện nay đã đủ sức răn đe những ai có ý đồ cản trở, chống đối và cố tình phá hoại trạm cân. Đối với trạm cân Hà Nam, Thừa Thiên Huế, UBND các tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan pháp luật khẩn trương, cương quyết xử lý thật nghiêm đối tượng phá hoại…
|
Tổng Cục đường bộ VN khẳng định sẽ xử lý nghiêm tình trạng xe tải cố tình phá trạm cân
(Ảnh: TTXVN)
|
- Dư luận lo ngại về tình trạng xảy ra tiêu cực tại các trạm cân như trước đây. Theo ông, có cách nào để phát hiện, xử lý vấn đề này?
Hệ thống các trạm cân mới đã được hiện đại hóa, những khâu trong quy trình kiểm tra xử lý dễ xảy ra tiêu cực đã được tự động cập nhật vào phần mềm bảo mật mà nhân viên vận hành không thể tự ý sửa chữa, thay đổi kết quả.
Ngoài ra, việc ứng dụng thiết bị công nghệ hiện đại có kết nối với trung tâm của Tổng cục và kết nối với những đơn vị chức năng liên quan để công khai, minh bạch số liệu thực hiện cùng giám sát, hậu kiểm cũng sẽ giúp loại trừ các cơ hội tiêu cực.
So với trạm cân trước đây, tình trạng tiêu cực sẽ hạn chế tới mức thấp nhất.
- Nhưng thưa ông, yếu tố con người vẫn là yếu tố quyết định trong việc xử lý sai phạm nếu như có tiêu cực?
Tôi cũng cho rằng yếu tố con người vẫn là quyết định trong vấn đề này. Và để giảm thiểu tiêu cực, Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ sẽ tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và cương quyết xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm theo pháp luật.
Đồng thời chúng tôi cũng đề nghị người dân, cơ quan báo chí tăng cường giám sát quá trình hoạt động của các trạm kiểm tra tải trọng xe.
- Hiện, lái xe tìm mọi cách trốn tránh lực lượng chức năng bằng cách xếp hàng dài, tìm tuyến đường tránh để vượt trạm, thậm chí là chống đối. Vậy, lực lượng liên ngành sẽ có biện pháp nào để xử lý những sự việc này, thưa ông?
Đây là một thực trạng đã xảy ra ở một vài nơi. Để giải quyết, trong tháng 1 này, Bộ GTVT sẽ cấp đủ 63 bộ cân lưu động cho tất cả tỉnh, thành cùng đồng loạt kiểm soát xe quá tải. Một xe quá tải lưu thông qua 10 tỉnh có thể bằng cách này hay cách khác vượt qua vài trạm cân nhưng không thể “lọt” quá cả 10 trạm.
Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng luôn luôn phải thực hiện đúng quy trình kiểm tra xử lý vi phạm ôtô chở hàng quá tải.
Đối với những lái xe có biểu hiện cản trở, chống đối không chấp hành hiệu lênh và hướng dẫn, gây hư hỏng thiết bị cân thì lực lượng chức năng sẽ đề nghị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm.
- Quan điển của ông như thế nào khi nhiều DN vận tải “than”, bắt buộc phải chở quá tải để bù đắp chi phí và có lãi để tồn tại?
Tôi cho rằng, nhận thức của DN vận tải, chủ xe như vậy là không đúng.Việc chở quá tải thực chất là giảm giá vận chuyển, là một cách cạnh tranh không lành mạnh, tạo mặt bằng giá ảo, gây hỗn loạn thị trường và loại bỏ cuộc chơi của những đơn vị vận tải làm ăn nghiêm túc.
Còn nếu chủ hàng, chủ DN chở đúng tải trọng cho phép, chấp hành quy định Luật giao thông đường bộ thì sẽ không bị xử phạt hoặc sẽ không phải chịu những chi phí không chính thức như: xe ít bị hỏng, lâu bị khấu hao, giảm nguy cơ tai nạn, trả lương cho lái xe thấp hơn, năng suất vận chuyển lưu thông không giảm.
- Xin cảm ơn ông!