|
Ông Trần Văn Lục, nguyên giám đốc Ban QLDA đường sắt, thuộc TCT ĐSVN giải trình, khẳng định không nhận hối lộ tại cuộc họp |
Tại cuộc họp, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (TCT ĐSVN) cho biết, ngay sau khi nhận chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, TCT đã yêu cầu các cán bộ liên quan giải trình. "Trước mắt sẽ tạm dừng công việc đối với giám đốc Ban QLDA đường sắt để tập trung thời gian giải trình, cung cấp tư liệu. Phía TCT cũng sẽ thành lập đoàn kiểm tra, do Tổng giám đốc chỉ đạo để rà soát toàn bộ các thủ tục liên quan dự án. Chúng tôi sẽ vào cuộc, kiểm tra nghiêm túc. Tất cả cán bộ liên quan đều phải giải trình", ông Thành nói.
Cũng ngay tại cuộc họp, giám đốc Ban QLDA đường sắt đương nhiệm và một số cán bộ liên quan đã phát biểu, cam kết thời gian qua đã không hề nhận bất cứ đồng nào từ nhà thầu Nhật.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, thông tin về nghi án cán bộ đường sắt nhận hối lộ mà báo chí Nhật thông tin là rất nghiêm trọng, cần phải làm rõ để có báo cáo kịp thời Thủ tướng. "Chủ tịch nước vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã được nâng lên tầm cao mới, là đối tác chiến lược và ngày càng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu. Việc làm rõ thông tin mà báo chí Nhật Bản đưa để xử lý nghiêm (nếu có) không hề ảnh hưởng đến mối quan hệ này, mà càng thể hiện phía Việt Nam thực sự nghiêm túc và quyết tâm cùng bạn chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cũng thể hiện quyết tâm của Bộ GTVT trong việc chống tham nhũng, tiêu cực mà Đảng và Chính phủ đã đề ra...", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với JICA và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam để tiếp nhận và chia sẻ thông tin về vụ việc. "Sáng mai (thứ 2, 24/3), Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông sẽ làm việc với JICA và Đại sứ quán Nhật để thông tin lại cho phía bạn biết về những động thái và quyết tâm của ta trong việc sẽ kiểm tra, làm rõ thông tin. Nếu phát hiện cán bộ tham nhũng, tiêu cực như báo Nhật đã thông tin, sẽ xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai. Việc xác minh, làm rõ thông tin đó, cũng chính là để thực hiện chỉ đạo của Đảng, Chính phủ trong việc chống tiêu cực, tham nhũng của ngành. Để người dân cũng thấy quan điểm của Bộ GTVT là kiên quyết chống tham những, tiêu cực trong ngành GTVT", Bộ trưởng khẳng định.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo: Trong ngày mai, Bộ GTVT sẽ có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ; Yêu cầu tất cả cán bộ liên quan tạm dừng công việc để viết giải trình, và cam kết về chuyện có hay không nhận hối lộ, kể cả người đã chuyển công tác hoặc đã nghỉ hưu cũng phải giải trình; Lập đoàn thanh tra, thanh tra tất cả dự án mà có nhà thầu JTC đã tham gia; Dừng giải ngân và rà soát các thủ tục giải ngân số tiền còn lại, dừng đàm phán giai đoạn 2A (đoạn Giáp Bát đến Ngọc Hồi) của dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1)".
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật, ngày 21/3, đưa tin Chủ tịch Công ty Tư vấn giao thông (JTC) - Ông Tamio Kakinuma, 65 tuổi thừa nhận công ty này từng chi tiền lại quả cho 5 quan chức nước ngoài trong đó có Việt Nam để đổi lại các dự án ODA. Lời thừa nhận được đưa ra trong buổi chất vấn do một đội điều tra đặc biệt thực hiện tại Văn phòng công tố Tokyo.
Được biết, ông Kakinuma, đã tự nguyện tới Văn phòng công tố Tokyo để tham gia buổi chất vấn ngày 18/3 vừa rồi. Tới đây, các công tố viên Nhật sẽ tiến hành một cuộc điều tra hình sự về những cáo buộc vi phạm Luật chống cạnh tranh không công bằng do hành động hối lộ các công chức nước ngoài của công ty này.
Theo tờ Yomiuri Shimbun, ông Kakinuma cho biết JTC đã trả tiền cho các công chức tại 3 nước bao gồm Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan và cung cấp chi tiết một số thông tin khác như thời điểm công ty này chi tiền và chi bao nhiêu.
Sự việc bắt đầu sau khi Văn phòng thuế khu vực Tokyo tiến hành thanh tra thuế và phát hiện các khoản chi bất hợp pháp lên tới 130 triệu yên (gần 26,7 tỷ đồng) của JTC, được chi thành 40 lần bắt đầu từ T2/2008 đến T2/2014 liên quan đến 5 hợp đồng dự án ODA.
Chi phí mỗi lần “lại quả” được xác định dựa theo giá trị của hợp đồng mà công ty đàm phán, trong đó: dự án ODA trị giá 4,2 tỉ yên (862,8 tỷ VNĐ) tại Việt Nam có mức chi lại quả là 80 triệu yên (gần 16,4 tỷ VNĐ). 3 dự án tổng cộng trị giá 2,9 tỉ yên (598,5 tỷ VNĐ) tại Indonesia tương đương với mức chi là 30 triệu yên (6 tỷ VNĐ). Tại Uzbekistan, công ty này cũng trả khoảng 20 triệu yên (hơn 4 tỷ VNĐ) tiền “lại quả” cho hợp đồng trị giá 700 triệu yên (144,4 tỷ VNĐ).
Các thông tin ban đầu cho thấy, JTC đã trả tiền "lại quả" cho 5 quan chức, trong đó có một người công tác ở đơn vị quản lý dự án của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một người phụ trách Tổng cục Đường sắt thuộc Bộ GTVT Indonesia.
|