Theo Nghị định số 27/2010/NĐ-CP và Thông tư số 47/2011/TT-BCA, ngoài lực lượng cảnh sát giao thông đường bộ, các lực lượng cảnh sát trật tự, cảnh sát phản ứng nhanh, cảnh sát cơ động, cảnh sát bảo vệ, cảnh sát quản lý hành chính về trật tự, an toàn xã hội, công an phụ trách xã, công an phường và công an xã, công an thị trấn nơi chưa bố trí tổ chức công an chính quy cũng có thể được huy động phối hợp với cảnh sát giao thông tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Theo Điều 3 Nghị định số 27 nói trên, việc huy động phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
- Việc huy động các lực lượng cảnh sát khác và công an xã phối hợp với cảnh sát giao thông đường bộ tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ chỉ thực hiện trong những trường hợp cần thiết và do người có thẩm quyền quyết định bằng văn bản.
- Mọi hoạt động trong khi tham gia, phối hợp tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ phải thực hiện theo quy định của pháp luật; việc tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông phải thực hiện theo đúng địa bàn, tuyến đường, thời gian quy định trong văn bản huy động của cơ quan, người có thẩm quyền.
Về nhiệm vụ, quyền hạn khi tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các lực lượng nói trên thực hiện theo sự chỉ đạo, điều hành của cảnh sát giao thông đường bộ và theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có quyền xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền khi tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng.
Tuy nhiên, khi thực thi nhiệm vụ các lực lượng này cũng không được tùy tiện dừng phương tiện để kiểm tra nếu như phương tiện không vi phạm hoặc không có dấu hiệu vi phạm.
Về thời điểm, pháp luật không có quy định nào hạn chế, do vậy bất kể thời điểm nào khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc đã có hành vi vi phạm thì các lực lượng được huy động nói trên đều có quyền dừng phương tiện để kiểm tra, xử lý theo quy định.