Trong đó, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 41 vụ, làm chết 38 người, bị thương 12 người. Con số trên cho thấy tai nạn giao thông nói chung, tai nạn giao thông đường sắt nói riêng đang là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Ông Nguyễn Văn Doanh, Phó Cục trưởng Cục đường sắt Việt Nam cho biết: một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông xảy ra tại các đường ngang là do không được tổ chức phòng vệ. Ở Việt Nam có khoảng 6000 điểm giao cắt có chiều rộng khoảng 3m chưa được tổ chức phòng vệ. Hiện nay Nhà nước ta đã tổ chức phòng vệ được 1500 điểm, còn lại các điểm khác thì hoàn toàn do người dân tự mở, đây là một trong những điểm mất an toàn trong hoạt động đường sắt.
Hơn thế, các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra là do số lượng đường ngang nhiều, chưa được lắp rào chắn, cảnh báo tự động, nhiều đường ngang bị che khuất tầm nhìn của người đi đường. Thực tế cho thấy, người dân ở khu vực gần đường ngang dân sinh lại ít bị TNGT hơn, vì họ sống gần đường tàu nên họ phần nào biết được lịch trình của tàu chạy hàng ngày và biết được tiếng còi báo hiệu từ xa của tàu để tự giác có ý thức dừng đỗ phương tiện cá nhân của mình.
Thực tế, hiện nay nhiều đường ngang hiện không có rào chắn, che khuất tầm nhìn, thiếu hệ thống cảnh báo, không có đèn tín hiệu, mặt đường nhấp nhô, ổ gà, ổ vịt. Không những vậy, nhiều đoạn đường có đường tàu chạy qua người dân vẫn vô tư đi lại, bày bán hàng tràn lan. Điển hình, là đoạn đường sắt trên địa bàn xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, đoạn đường Giải Phóng, đường Lê Duẩn… chợ cóc được họp thường xuyên vào tất cả các ngày trong tuần, người mua kẻ bán nhộn nhịp, xe máy, xe đạp ngang nhiên dựng sát đường ray, hàng hóa ngổn ngang bất chấp tàu có thể chạy qua bất cứ lúc nào. Mặc cho tiếng còi tàu inh ỏi, người mua, người bán vẫn thản nhiên như không có chuyện gì, chỉ đến khi tàu đã sát vài chục mét những người bán hàng này mới vội vàng thu dọn hàng cho tàu chạy qua…
 |
Ở Việt Nam có khoảng 6000 điểm giao cắt có chiều rộng khoảng 3m chưa được tổ chức phòng vệ. |
Nguy hiểm còn tiềm ẩn cho những người dân sống xung quanh đường tàu. Đặc biệt, đối với người già và trẻ nhỏ thì ẩn họa ngày càng cao bởi họ là những đối tượng cần được bảo vệ, họ không có khả năng phản ứng nhanh nhẹn. Không chỉ nguy hiểm đến tính mạng mà sức khỏe của người dân sống quanh khu vực đường ray cũng đang hàng ngày, hàng giờ bị đe dọa bởi tàu đi qua còn kéo theo khói bụi, âm thanh ồn ào và cả rác thải...
Ông Doanh chia sẻ, để ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt phải có quy hoạch rõ ràng về sử dụng đất đối với chính quyền tất cả các địa phương khi cấp đất cho người dân xây dựng nhà ở, khu công nghiệp, chợ… đều phải xây dựng đường gom, làm hành lang rõ ràng cách ly với đường sắt.
Trong những năm gần đây, ngành đường sắt đã và đang nỗ lực xóa bỏ những đường ngang dân sinh bất hợp pháp, trang bị nhiều thanh chắn, barie, đèn báo hiệu tại những điểm nóng tai nạn giao thông đường sắt, nâng cao ý thức người dân. Tuy nhiên, trách nhiệm không chỉ do các ngành chức năng đường sắt mà quan trọng hơn vẫn là ý thức của người dân.