Tham gia giao thông là một hoạt động gần như diễn ra hàng ngày đối với mỗi người. Vì vậy, nhu cầu tiếp nhận các thông tin về an toàn giao thông của người đi đường là rất lớn. Để phổ biến Luật Giao thông đường bộ, các lực lượng chức năng, cơ quan, đoàn thể đã thực hiện nhiều cách như phổ biến các cuộc thi về an toàn giao thông, đạp xe tuyên truyền về an toàn giao thông, tổ chức các hội nghị, buổi giao lưu về trật tự an toàn giao thông…
Tổ chức hội thi là một trong các hình thức tuyên truyền về ATGT. (Ảnh minh họa)
Trong thời gian gần đây, bên cạnh các hình thức tuyên truyền truyền thống, ở nhiều địa phương đã xuất hiện một số phương cách phổ biến các quy định về an toàn giao thông mới mẻ và bước đầu đạt hiệu quả.
Hà Nội: Lắp loa tuyên truyền Luật giao thông ở các ngã tư
Từ tháng 7/2013, Công an thành phố phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội lắp đặt loa truyền thanh tại 16 nút giao thông trọng điểm trên địa bàn thủ đô, chủ yếu ở các ngã tư có hệ thống đèn tín hiệu giao thông.
Hệ thống loa truyền thanh được cập nhật nội dung tuyên truyền hàng ngày. Nội dung chủ yếu là các văn bản như: Luật Giao thông Đường bộ - Đường sắt; Luật xử lý vi phạm hành chính, kế hoạch tăng cường đảm bảo trật tự giao thông...
Người dân lắng nghe các thông tin về ATGT từ loa phát thanh khi chờ đèn đỏ. (Ảnh ANTĐ)
Thời gian phát loa với hệ thống loa tuyên truyền đường bộ là sáng từ 6 giờ 30’ đến 8 giờ, chiều từ 16 giờ 30’ đến 18 giờ.
Với cách làm này, người đi đường đã tiếp nhận được rất nhiều thông tin bổ ích về an toàn giao thông. Chị Lê Hương (29 tuổi, Hà Nội) cho biết: “Vào các giờ cao điểm, khi chờ dừng đèn đỏ, nhiều lần tôi đã nghe thấy tiếng loa phát thanh tuyên truyền về an toàn giao thông. Qua đó, tôi đã được nhắc nhở về việc chấp hành các quy định trong Luật Giao thông đường bộ như đi đúng làn đường, không chạy quá tốc độ, chở đúng số người quy định…Tôi thấy cách làm này rất hay vì tiếp nhận thông tin trong lúc chờ đèn đỏ vừa đỡ mất thời gian mà lại gây hiệu quả trực tiếp.”
Từ những hiệu quả thấy rõ, sắp tới, Hà Nội sẽ lắp thêm loa phát thanh ở thêm 16 nút giao thông trọng điểm, ngoài ở các ngã tư có hệ thống đèn giao thông thì sẽ còn có ở các điểm giao cắt cùng mức giữa đường sắt và đường bộ có nhân viên gắc chắn.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Lắp bảng ghi mức xử phạt ở các chốt đèn
Long Điền là huyện đầu tiên tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu áp dụng mô hình tuyên truyền ATGT bằng cách đưa ra mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, được lắp đặt tại các trụ đèn tín hiệu giao thông. Bước đầu mang lại nhiều hiệu quả tích cực, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân ngày càng được nâng cao.
Bảng ghi mức xử phạt hành chính của các vi phạm giao thông tại một nút giao thông ở Long Điền. (Báo BR-VT)
Anh Lại Thiên Phước, hành nghề xe ôm cho biết: “Mô hình tuyên truyền này rất tốt. Nếu người tham gia giao thông lỡ quên luật, khi nhìn vào đó người ta sẽ nhớ. So với băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, bảng mức phạt này hay hơn, vì khi tới đèn xanh, đèn đỏ người ta dễ quan sát và dễ nhớ hơn”.
Còn chị Nguyễn Thị Phượng, khu phố Long Phượng, huyện Long Điền cho biết: “Những tấm bảng này rất có ích, để người dân nhìn vào đó thực hiện đúng quy định, bảo vệ được tính mạng, an toàn cho bản thân và cho người khác”.
Phú Yên: Chiếu phim tuyên truyền ATGT tại địa điểm công cộng
Mô hình tuyên truyền an toàn giao thông thông qua các đoạn phim được chiếu tại các điểm công cộng mà Phòng CSGT Công an tỉnh Phú Yên trên địa bàn tỉnh đang được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng, mang lại hiệu quả thiết thực.
Để thực hiện mô hình, Phòng CSGT đã tiến hành khảo sát, làm việc với các chủ quán cà phê, nhân viên quản lý các điểm công cộng, nhà ga trên địa bàn tỉnh để ký cam kết triển khai mô hình tuyên truyền ATGT. Yêu cầu của địa điểm triển khai mô hình là có trang bị ti vi gắn USB để tải nội dung tuyên truyền. Phòng CSGT cũng đề nghị các địa điểm ký cam kết sẽ mở các đoạn phim này trung bình mỗi ngày trên 10 phút.
Nội dung tuyên truyền được truyền tải qua các đoạn phim về ATGT như: Hiện trường các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh, các tình huống va chạm, tai nạn thường gặp khi tham gia giao thông, thế nào là mũ bảo hiểm hợp chuẩn, các thông tin pháp luật, hướng dẫn về ATGT… Các đoạn phim này do Ủy ban ATGT Quốc gia cung cấp và do phòng CSGT phối hợp cùng các đơn vị chức năng sản xuất.
Theo Phòng CSGT Công an Phú Yên, quán cà phê được xem là địa điểm được kỳ vọng nhất khi triển khai mô hình tuyên truyền ATGT qua hình thức chiếu phim. Vì nơi này có nhiều người thường xuyên tập trung, nhất là các đối tượng thanh thiếu niên - đối tượng cần tuyên truyền, giáo dục Luật Giao thông thường bộ, các quy tắc ứng xử khi tham gia giao thông. (Ảnh: Báo Phú Yên)
Ông Huỳnh Đức Hoàng, chủ quán cà phê Mimosa (phường Phú Lâm, Tp.Tuy Hòa) cho biết: “Khi được mời ký kết tuyên truyền ATGT qua việc chiếu các đoạn phim tại quán, ban đầu tôi cũng lo khách hàng phản ứng, nhưng thực tế hầu hết khách hàng đều hứng thú với các đoạn phim về ATGTvà theo dõi khá chăm chú. Họ còn bàn tán, trao đổi về nội dung các đoạn phim”.
Với mong muốn giúp người dân đảm bảo an toàn giao thông, lực lượng CSGT ở các địa phương đã không ngừng tìm các cách tuyên truyền thích hợp, hiệu quả. Mong rằng các hình thức tuyên truyền này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và có thêm nhiều cách làm hay ở nhiều nơi hơn nữa để nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông.