|
Trạm kiểm soát tải trọng xe tại Phú Thọ hoạt động 24/24h |
Nhiệm vụ nặng nề
Có mặt ở các trạm cân lưu động tại các tuyến quốc lộ “nóng” phía Bắc, chúng tôi ghi nhận hầu hết các trạm đều hoạt động 24/24h theo đúng yêu cầu. Thậm chí, có trạm cân tại Phú Thọ, khi cân hỏng phải chuyển đi sửa chữa, nhưng các cán bộ chiến sỹ vẫn không rời trạm.
Trung tuần tháng 5/2014 vừa qua, có mặt tại trạm cân trên QL2 qua Đoan Hùng (Phú Thọ), chúng tôi nhận thấy trạm cân số 06 vẫn hoạt động dù cân đang hỏng. Tổ cân xe gồm lực lượng CSCĐ, TTGT và CSGT vẫn túc trực xử lý xe quá tải. Do biết có trạm cân, nhiều lái xe tìm cách đi vòng sang các tuyến đường khác. Không để xe quá tải tránh trạm, một mũi tuần tra mật phục vào các tuyến đường tránh. Khi bắt giữ được xe quá tải, mũi tuần tra yêu cầu đưa xe về trạm cân để cân tải trọng. Trung úy Ngô Tiến Dũng - Đội phó CSGT Phú Thọ cho biết, do cân lưu động đang trục trặc nên trạm quyết định sử dụng cân xách tay để kịp thời xử lý.
Chiều 20/5, ông Hà Huy Giang- Chánh Thanh tra Sở GTVT Thái Nguyên cho biết, tỉnh vừa duyệt dự toán kinh phí cho trạm cân lưu động khoảng 1,8 tỷ đồng. Chi phí này được chi bồi dưỡng cho các cán bộ làm thêm giờ, làm ca đêm, làm ngày lễ khoảng 100.000 đồng/người/ ca. Ngoài ra còn có, chi phí cho xăng xe TTKS và một số chi phí khác. |
“Chỉ cần lơi lỏng một chút là các xe tranh thủ vượt trạm nên anh em quyết tâm trực chốt 24/24h, chia làm ba ca. Tuy nhiên, do lực lượng ít, lại vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ khác nên nhiều khi có người làm việc thông hai ca là chuyện thường. Nhiều lái xe còn chống đối nên vất vả lắm” - Trung úy Dũng chia sẻ.
Tại trạm cân lưu động trên QL3 qua Bắc Kạn, giữa trưa nắng gắt, chúng tôi chứng kiến các thành viên gồm CSGT và TTGT nhễ nhại mồ hôi túc trực chống xe quá tải. Trạm cân này hoạt động 24/24h và 7 ngày trong tuần, chia làm ba ca với 19 cán bộ, chiến sỹ CSGT và TTGT. Ông Lăng Văn Hòa - Giám đốc Sở GTVT Bắc Kạn cho biết, bên cạnh trạm cân lưu động, một tổ công tác liên ngành gồm 17 cán bộ, chiến sỹ cũng được thành lập để kiểm soát xe quá tải. Tổ này hoạt động đồng thời với trạm cân lưu động và thay thế trạm lưu động khi thời tiết không thuận lợi. Đến ngày 10/5, trạm cân đã xử lý được hơn 30 xe quá tải chủ yếu hoạt động trên QL3.
Tương tự, tại các trạm cân lưu động ở các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên đều hoạt động 24/24/7 bất kể ngày nắng mưa. Và hiệu quả cho thấy khá rõ, lượng xe quá tải và xe hoán cải đã giảm đáng kể.
Đỏ mắt ngóng kinh phí
Điều đáng buồn là dù công việc nặng nề như vậy, nhưng đến nay sau gần hai tháng trạm cân tải trọng lưu động hoạt động, kinh phí vẫn chưa thấy đâu. Theo Bộ GTVT, kinh phí duy trì hoạt động các trạm cân đã có cơ chế rõ ràng, được lấy từ nguồn 35% tiền Quỹ Bảo trì đường bộ hàng năm mà Bộ GTVT đã phân xuống các địa phương. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, nhiều tỉnh, thành vẫn chưa cấp xuống các trạm cân.
Tuy nhiên, đến nay, gần như các trạm chưa nhận được nguồn kinh phí duy trì hoạt động. Thậm chí tại Lạng Sơn, Sở GTVT chưa lập dự toán kinh phí trình UBND tỉnh phê duyệt.
Trung úy Ngô Tiến Dũng - Đội phó CSGT Phú Thọ cho biết, đến nay trạm chưa được bố trí kinh phí nên anh em làm việc cũng khó khăn.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Tuấn - Chánh Thanh tra Sở GTVT Bắc Kạn cho biết, Sở đã lập dự toán kinh phí trình UBND tỉnh để duy trì trạm cân. Đồng thời, anh em cũng đề nghị Sở Tài chính thẩm tra để sớm có nguồn kinh phí duy trì hoạt động, dự kiến khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.
Tại Thái Nguyên cũng diễn ra tình trạng tương tự. Ông Hà Huy Giang - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, kinh phí duy trì trạm cân vẫn chưa được cấp. Mấy hôm trước do quá cấp bách nên mỗi tổ được tạm ứng khoảng 5 triệu đồng từ quỹ Công đoàn của Sở và một số nguồn khác để chi phí tạm thời và bồi dưỡng làm đêm cho anh em.
“Nhằm triệt để xử lý xe quá tải cần làm thường xuyên, liên tục lâu dài chứ không nên làm theo kiểu chiến dịch hay mở cao điểm rồi thôi. Muốn vậy thì kinh phí cần phải sớm được giải ngân để anh em yên tâm làm việc” - ông Giang cho biết.
Kinh phí chỉ đủ… đổ xăng
Tình trạng ngóng kinh phí cũng diễn ra phổ biến ở các trạm cân tại các tỉnh miền Trung.
Ông Nguyễn Hồng Nam - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, địa phương này mới có kế hoạch thành lập trạm cân và quy chế hoạt động trạm cân cũng mới được phê duyệt. Về kinh phí hoạt động của trạm cân, ông Nam cho biết, hiện vẫn chưa ứng được do dự toán chưa được duyệt.
“Anh em đi làm bình thường, trước mắt ăn uống tự bỏ tiền túi. Cơ sở vật chất phục vụ trạm cân cần thiết anh em có thể chi tạm, còn xăng dầu ứng kinh phí cơ quan” - ông Nam nói.
Tại Quảng Ngãi, ông Huỳnh Ngà - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, hiện nay lực lượng trạm cân chưa có chế độ, làm kiêm nhiệm. Kinh phí duy trì hoạt động của trạm cân mới được Sở GTVT cho tạm ứng kinh phí ATGT. “Sở GTVT đang trình UBND tỉnh, nhưng chưa nghe ai rót kinh phí. Nguồn tạm ứng năm nay của tỉnh chỉ được khoảng 300 triệu đồng,đủ để đổ xăng xe, còn nếu xe hư hỏng phải tìm nguồn kinh phí khác sửa chữa”- ông Ngà cho biết.
Chuyện ngóng kinh phí ở Quảng Nam cũng không “khấm khá” hơn. Ông Võ Quang Lâm - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, vẫn chưa thấy kinh phí từ Qũy Bảo trì đường bộ rót xuống để duy trì hoạt động của trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động. Ông Lâm cho biết: “Ban ATGT tỉnh hỗ trợ 30 triệu chi phí ban đầu nên chưa thấm tháp vào đâu và hiện đang làm tờ trình xin tạm ứng thêm kinh phí”.
Có phần “rủng rỉnh” hơn là trạm kiểm soát tải trọng xe lưu động tại Thừa Thiên - Huế. Tuy nhiên, nguồn kinh phí được cấp cũng chỉ mới là… tạm ứng. Số tiền này mới đáp ứng các chi phí hợp lệ như xăng xe và thiết bị phục vụ trạm cân. Theo ông Ngô Thế Bính - Chánh Thanh tra Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, tỉnh này là 1 trong 10 địa phương đầu tiên sẽ được bố trí kinh phí mỗi năm 1 tỷ đồng. Hiện, Thừa Thiên - Huế đang xây dựng kế hoạch để trình phê duyệt.
|