|
Các trạm cân di động đặt ngay tại đường dẫn ra vào các cảng, mỏ |
Đặt trạm cân di dộng tại đường ra vào cảng, mỏ
Thiếu tướng Nguyễn Văn Khuông - Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam cho biết, để kiểm soát hiệu quả tải trọng xe, Hà Nam không quá coi trọng việc xử phạt lái xe vi phạm, mà làm triệt để từ nơi cung cấp vật liệu tại các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất sét. “Chúng tôi thực hiện 24/24h và đồng bộ ở nhiều tuyến đường. Do vậy, thời gian qua, doanh nghiệp, lái xe đã chấp hành quy định chở hàng đúng với tải trọng cho phép” - Thiếu tướng Khuông nói.
UBND tỉnh Hà Nam vừa thống nhất chủ trương trích từ nguồn xử phạt TTATGT để bồi dưỡng cho lực lượng duy trì tại các trạm cân. Mức bồi dưỡng này là 2 triệu đồng/người/ tháng đối với CSGT và 1,5 triệu đồng/người/tháng đối với TTGT. |
Với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, gần 2 tháng qua, Công an và Sở GTVT Hà Nam đã triển khai 7 trạm cân, trong đó có 2 trạm cân liên ngành đặt tại ĐT 494 và ĐT 495B và 5 trạm cân di động đặt ngay tại đường dẫn ra vào các cảng, mỏ trên địa bàn các huyện: Kim Bảng, Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục và TP Hà Nam.
Thượng tá Trần Thu Đông - Phó Phòng CSGT tỉnh cho biết, tính đến ngày 19/5 các trạm cân trên đã phát hiện và xử lý 720 trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại các chốt kiểm soát của CSGT trên QL1 khi phát hiện xe chở quá tải trọng từ các địa phương khác qua địa bàn, lực lượng CSGT sẽ yêu cầu lái xe đưa xe đến điểm cân gần nhất để kiểm tra. Với cách làm này, xe chở quá tải đi qua Hà Nam khó lòng vượt, né trạm.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Khoái - Giám đốc Sở GTVT Hà Nam cho biết, UBND tỉnh đã lập riêng đường dây nóng tiếp nhận thông tin về xe chở quá tải. Trực tiếp lãnh đạo Sở GTVT và Công an cứ 15 ngày tổ chức giao ban một lần để giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai.
“Thành phố bụi”... đã hết bụi
Hà Nam là địa phương cung cấp cát, đá, sỏi, đất sét cho cả khu vực phía Bắc. Do vậy, lượng phương tiện vận tải của địa phương cũng như các địa phương khác đến hoạt động trên địa bàn rất lớn. Theo thống kê, địa bàn hiện có trên 1.000 xe tải các loại đang hoạt động, trong đó, xe từ 5 tấn trở lên có tới 533 chiếc, hoạt động chủ yếu là ở các huyện Thanh Liêm, TP Phủ Lý nơi tập trung nhiều mỏ đá, mỏ cát, mỏ sét.
Trước đây, tình trạng xe chở vật liệu xây dựng cao ngất ngưởng, không che đậy khi qua thành phố diễn ra phổ biến. Người dân và người tham gia giao thông vẫn quen gọi Phủ Lý là thành phố “bụi”.
“Xe quá tải tung hoành làm hư hỏng nặng hệ thống đường ngăn lũ, các tuyến đường ĐT 494, 491, 495B, QL38… của tỉnh. Tiền thu từ thuế tài nguyên không đủ làm 1km đường” - ông Mai Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đau xót nói.
Tuy nhiên, sau ngày 1/4/2014, khi chủ trương siết chặt kiểm soát tải trọng xe được triển khai, Hà Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Với việc đồng loạt thắt chặt cân xe, xe quá tải trên địa bàn tỉnh không còn đất diễn. TP Phủ Lý đã sạch hơn. QL1 đi qua địa bàn đã thông thoáng, không còn tình trạng xe quá tải chở vật liệu có ngọn và vương vãi bụi đất khắp nơi.
Theo ông Nguyễn Văn Khoái, khi có chủ trương cân xe đồng loạt, Hà Nam làm rất nghiêm túc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, toàn bộ xe tải đã tháo dỡ phần tự cơi nới, doanh nghiệp và lái xe đã thay đổi nhận thức chấp hành quy định chở hàng đúng với tải trọng cho phép. Người dân cũng rất đồng tình ủng hộ với cách làm này của tỉnh.
Mới đây, vào đầu tháng 5/2014, một số lái xe đã cố tình né trạm cân, đi vào các đường tỉnh. Thông tin này sau đó đã được người dân phản ánh, ngay lập tức tổ công tác liên ngành đã có mặt xử lý nghiêm lái xe vi phạm.
“Giải quyết tận gốc xe chở quá tải bằng cách đặt trạm cân tại các điểm bốc hàng, điểm nối với QL1 và buộc lái xe vi phạm quay lại để hạ tải. Vì thế, Hà Nam không phải triển khai trạm cân trên QL1. Đây là cách làm riêng của Hà Nam trong thời gian qua và đang phát huy hiệu quả cao trong việc ngăn xe quá tải hoạt động trên các tuyến giao thông” - ông Khoái nói.