|
Lái xe sẽ không mất nhiều thời gian khi bị kiểm tra nồng độ cồn theo cách mới |
“Kiểm tra vui vẻ”
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: “Theo quy trình mới, các thủ tục kiểm tra sẽ đơn giản và thuận tiện hơn, thêm số liệu thống kê và thông qua đây cơ quan quản lý sẽ có những quyết sách đúng đắn nhằm ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn”.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục Trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt khẳng định: “Xử lý vi phạm nồng độ cồn không đơn giản, có nhiều trường hợp chống đối hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng. Do đó, áp dụng quy trình kiểm tra mới hy vọng sẽ hiệu quả hơn vì không gây phiền hà cho người bị kiểm tra”. Tướng Tuyên cũng kêu gọi các lái xe hãy vui vẻ khi bị kiểm tra và mong muốn dư luận xã hội ủng hộ CSGT làm việc này vì sẽ hạn chế được tỷ lệ người lái xe say rượu gây TNGT, có lợi cho cả gia đình và xã hội.
"Theo thống kê tại các bệnh viện, bệnh nhân cấp cứu do TNGT có nồng độ cồn trong máu chiếm 30% tổng số bệnh nhân nhập viện. Thông qua chuyên đề kiểm tra thí điểm theo kinh nghiệm quốc tế tại Quảng Ninh tới đây, chúng ta sẽ có thêm thống kê về tỷ lệ người sử dụng đồ uống có cồn tham gia giao thông để từ đó có những chính sách phù hợp nhằm hạn chế TNGT có nguyên nhân từ nồng độ cồn”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp
Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia
|
Để thực hiện quy trình kiểm tra mới này, Đại tá Vũ Quý Phi - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, lực lượng CSGT sẽ khảo sát lựa chọn địa điểm, bố trí lực lượng, sử dụng biển báo, cọc tiêu phân làn từ xa để đưa các phương tiện tách dòng sang một làn đường. Khi xe đã vào vị trí an toàn, CSGT ra hiệu lệnh để người điều khiển phương tiện hạ kính, CSGT thông báo cho người được kiểm tra biết về chiến dịch đang làm. Sau kiểm tra giấy phép lái xe, đăng ký phương tiện, người lái thổi vào thiết bị đo nồng độ cồn… Nếu thiết bị báo người lái “có hơi men” thì CSGT yêu cầu người điều khiển xuống xe để xử lý. Nếu không vi phạm thì lái xe tiếp tục cuộc hành trình.
Đại tá Phi nói thêm, qua tham khảo học tập kinh nghiệm xử lý của các nước, chúng tôi thấy rằng việc đơn giản hóa quy trình kiểm tra sẽ giúp hiệu suất kiểm tra rất cao, người dân hợp tác và có hiệu quả rõ ràng. Ví dụ như ở Australia, 1 ca tuần tra kiểm soát (8 tiếng) lực lượng CSGT kiểm tra được 800 trường hợp, xe nào qua kiểm tra không vi phạm là đi luôn. Một ca như vậy thường chỉ phát hiện ra 4 trường hợp vi phạm.
Như vậy, điểm khác biệt giữa phương pháp của CSGT Úc so với quy trình tuần tra kiểm soát của CSGT Việt Nam (do Bộ Công an quy định) hiện nay là người điều khiển phương tiện vẫn ngồi trên xe giao tiếp với CSGT nên rút ngắn thời gian kiểm tra đối với những trường hợp không vi phạm.
Dân ủng hộ
Quy trình kiểm tra nồng độ cồn mới sẽ được Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức thí điểm tại Quảng Ninh trong 3 tháng cuối năm 2013. Theo lãnh đạo Ủy ban ATGT Quốc gia, Quảng Ninh là địa phương triển khai thí điểm bởi trước đó đã được tiếp cận về phương pháp kiểm tra này thông qua một Dự án về phòng chống sử dụng đồ uống có cồn trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Lực lượng CSGT đã được chuyên gia trong và ngoài nước tập huấn cách sử dụng các thiết bị đo nồng độ cồn hiện đại và thực hành các kỹ năng trên hiện trường. Về phía địa phương, bà Nguyễn Thị Hiền - Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh cho biết, hiện nay Ban ATGT tỉnh và các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án để triển khai.
Về quy trình kiểm tra mới này, ông Nguyễn Ngọc Thái - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Bắc Ninh cũng cho biết, đây là cách làm đơn giản, thuận tiện cho cả người thực thi công vụ và người điều khiển phương tiện, người dân rất ủng hộ. Qua đợt triển khai thí điểm tại một số địa phương thực hiện dự án về phòng chống sử dụng đồ uống có cồn khi lái xe thời gian qua, TNGT liên quan đến rượu bia đã giảm, đặc biệt là trong dịp Tết.
Khánh Hà