Từ hôm nay (1/6), xe máy điện không BKS sẽ bị lập biên bản xử lý. Ảnh: Internet
Mới đây, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 15/2014 về đăng ký xe. Thông tư 15 cũng chỉ rõ xe máy điện khi lưu hành cũng phải đăng ký biển kiểm soát (BKS).
Để thực hiện đăng ký xe máy điện, người dân phải đến công an các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc Phòng CSGT Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Khi đăng ký xe máy điện, người dân phải mang theo Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu được phát tại nơi đăng ký xe hoặc in từ Website: csgt.vn); Chứng minh nhân dân với cá nhân; Chứng từ nguồn gốc của xe, gồm: Phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); hóa đơn bán xe.
Cũng theo quy định tại Thông tư 15, với những xe máy điện lưu hành trước ngày 1/7/2009, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chuyển nhượng vẫn có thể đăng ký biển số. Với những trường hợp này, chủ xe cần có cam kết về nguồn gốc hợp pháp của chiếc xe và có chứng nhận của chính quyền địa phương thì xe đó được giải quyết, đăng ký và cấp biển số xe.
Tuy nhiên, khoảng 2-3 ngày trước khi Thông tư 15 có hiệu lực, tại các đội đăng ký biển số xe của các quận, huyện trong Tp.Hà Nội vẫn chỉ lác đác người đến đăng đăng ký biển số cho xe máy điện.
Trên thực tế, rất nhiều người đang sử dụng phương tiện xe máy điện vẫn chưa biết đến quy định đăng ký biển số theo Thông tư mới của Bộ Công an. Chị Nguyễn Thị Thúy (trú tại H.Hoài Đức, Tp.Hà Nội) cho hay: “Khi mua xe tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản là không phải đội MBH, không phải làm đăng ký BKS như xe máy nên toàn bộ giấy tờ theo xe mình cũng chẳng quan tâm, bỏ đâu mất”.
Trong khi đó, thông tin từ Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết hiện trên cả nước có tới hơn 1 triệu xe điện hai bánh, các loại xe này thường nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Tại Tp.HCM, nhiều cửa hàng vẫn vô tư bán sản phẩm này, không một lời khuyến cáo khách hàng. Theo chủ một cửa hàng xe đạp, xe máy điện trên đường Huỳnh Tấn Phát (Q.7, Tp.HCM), ông không quan tâm mấy về quy định trên, vì cửa hàng của ông chỉ bán xe chứ không nhận đăng ký cho khách. Ông cho biết thêm, hầu hết số xe máy điện của cửa hàng ông đều nhập khẩu từ Trung Quốc, nên không có hồ sơ nguồn gốc xe hay giấy đăng kiểm của cơ quan chức năng. “Họ mua thì tôi bán, chuyện đăng ký được hay không thì họ tự chịu”, ông nói.
Được biết, trường hợp xe máy điện khi tham gia giao thông mà không có đăng ký BKS thì sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng, tương đương mức tiền xử phạt của các loại mô tô khác. Thông tư này có hiệu lực từ 1/6/2014.
Do đó, để được đăng ký xe theo quy định của Bộ Công an, khi mua xe người dân cần yêu cầu người bán xe cung cấp đầy đủ các loại chứng từ; gồm: Phiếu Kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước) hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe nhập khẩu); Hóa đơn bán xe.
Xe máy điện thuộc phương tiện giao thông cơ giới được quy định tại Điều 3 khoản 18 Luật Giao thông đường bộ. Phương tiện này khác xe đạp điện là không có pê-đan (giò đạp). Do vậy, khi hết điện thì không thể đạp pê-đan cho xe chạy như xe đạp điện.