|
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu truy rõ trách nhiệm các bên liên quan trong việc để xảy ra tình trạng chậm, hủy chuyến tăng nhanh trong 6 tháng đầu năm nay |
Vietjet Air, Jestar Pacific dẫn đầu danh sách chậm hủy chuyến
TGĐ Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh:
Giải quyết cho khách đi sớm nhất chứ không đơn giản là xin lỗi
Thừa nhận 6 tháng đầu năm nay, số chuyến bay chậm hủy chuyến của Tổng công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines) nhiều hơn cùng kỳ năm trước, Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh thẳng thắn: Một ngày chúng tôi có gần 400 chuyến bay, chậm chuyến là hơn 40 chuyến bay là 6.000 khách bị ảnh hưởng. Ưu tiên số một của Vietnam Airlines là làm thế nào giải quyết cho khách để đi chuyến gần nhất là quan trọng chứ không chỉ đơn giản là xin lỗi.
|
Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không VN thực hiện 74 nghìn chuyến bay. Trong đó tỷ lệ chậm chuyến 20,9%, tỉ lệ hủy chuyến 3,2% tăng tương ứng 5,2 điểm và 0,5 điểm so với cùng kỳ năm 2013.
Cũng theo ông Thanh, Vietjet Air và Jestar Pacific lần lượt đứng đầu danh sách với tỷ lệ hơn 40% chậm chuyến – một tỷ lệ quá cao, gây bức xúc dư luận. Ngoài chậm chuyến nhiều, việc phục vụ hành khách khi bị chậm chuyến cũng là vấn đề lớn gây bức xúc trong dư luận.
“Chăm sóc hành khách kém, chậm thông báo, không nói rõ nguyên nhân chậm, hủy chuyến và thời gian dự kiến khởi hành trong khi thời gian chậm quá dài. Như hôm qua, có chuyến bay bị chậm, kéo dài từ 11h trưa đến 7 rưỡi tối” – ông Thanh phân tích.
“Vietnam Airlines, mặc dù tỉ lệ chậm chuyến có tăng so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 2,4 điểm), nhưng so với tỷ lệ trung bình của các hãng hàng không trên thế giới vẫn có thể đánh giá rằng tỷ lệ chậm, hủy chuyến của Vietnam Airlines (tương ứng 12,3% và 2,9%) và VASCO (tương ứng 10,2% và 7,5%) là thấp” – ông Thanh nhận định.
Theo Cục Hàng không VN, tỷ lệ chậm, hủy chuyến trung bình của các hãng hàng không trên thế giới trong khoảng hơn 20%. Trong đó, các hãng hàng không giá rẻ có khuynh hướng cao hơn các hãng truyền thống.
Ông Thanh cũng chỉ rõ 5 nhóm nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2014 gồm: khai thác của các hãng hàng không; dịch vụ và trang thiết bị (kết cấu hạ tầng) tại cảng hàng không; an ninh hàng không; quản lý, điều hành bay và các nguyên nhân khác (thời tiết, đặc điểm vùng trời hẹp…).
|
Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết chậm, hủy chuyến có nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất, 72,7% |
Trong số này, nguyên nhân do khai thác của các hãng hàng không chiếm tỷ lệ cao nhất, 72,7%. Cụ thể, ngoài nguyên nhân liên quan đến kỹ thuật, các nguyên nhân khác trong nhóm này được Cục Hàng không VN chỉ ra là tắc nghẽn trong tàu bay do quá trình xếp khách lên tàu bay (boarding) chưa hợp lý; xếp lịch bay không sát với thời gian thực tế khai thác; các hãng hàng không chi phí thấp không xếp giờ khai thác tàu bay dự bị.
“Hầu hết số chuyến bay bị chậm hủy là do khai thác của hãng hàng không. Đối với Hãng hàng không Vietjet Air, kế hoạch khai thác nhiều trong khi số lượng tàu bay hạn chế, thời gian quay đầu nhanh. Khi một tàu bay bị lỗi kỹ thuật hoặc thời tiết xấu nằm lại tại một cảng hàng không sẽ kéo theo rất nhiều chuyến bay kế tiếp ở các cảng hàng không khác bị ảnh hưởng dây chuyền vì không có tàu bay bổ sung”- đại diện Cục Hàng không VN nói.
Một lý do khác cần được lưu ý theo Cảng vụ Hàng không miền Nam là do các hãng hàng không nội địa đều chọn căn cứ là Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất dẫn đến việc chậm, hủy chuyến xảy ra trên 2 cảng hàng không này, từ đó dẫn đến chậm, hủy dây chuyền của phần lớn chuyến bay còn lại trong ngày.
Chưa nhận rõ trách nhiệm, chưa đổi mới tư duy, còn chậm, hủy chuyến
Ngay khi Cục trưởng Hàng không Lại Xuân Thanh kết thúc phần báo cáo, Bộ trưởng Đinh La Thăng gay gắt: Báo cáo của Cục chưa làm rõ vấn đề. “Dồn chuyến mới là nguyên nhân chính dẫn đến chậm hủy chuyến” – Bộ trưởng khẳng định.
|
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng bản thân các hãng hàng không cũng phối hợp với nhau chưa tốt, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh |
“Báo cáo của Cục Hàng không VN lại so sánh với các nước rồi cho rằng tỷ lệ chậm, hủy chuyến vẫn thấp. Cứ so sánh với các nước khác kém hơn thì không thể khá được. Sao không so với chính mình. Đừng nghĩ theo kiểu “trông lên chẳng bằng ai, nhìn xuống hơn khối người”. Cứ vô cảm với điều này thì còn chậm, hủy chuyến” – Bộ trưởng tiếp tục truy trách nhiệm.
“Việc đầu tiên là phải nhận trách nhiệm của mình đến đâu, trách nhiệm của Cục đến đâu. Giải pháp đầu tiên để giảm chậm hủy chuyến là phải đổi mới toàn diện, triệt để Cục Hàng không VN, thay đổi tư duy của lãnh đạo Cục Hàng không VN, phải thấy được sự chậm đổi mới của mình, tư duy trì trệ của mình” – Bộ trưởng chỉ rõ.
Nhấn mạnh Cục Hàng không VN chưa nghĩ được hết trách nhiệm của mình, Bộ trưởng nêu rõ: Tôi đã nói rồi, quản lý nhà nước phải bơi cùng doanh nghiệp. Phải bơi để biết nước lạnh hay nóng, sóng to hay nhỏ, có vật cản hay không. Có như thế mới hiểu được doanh nghiệp cần gì, phải làm gì để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Vietjet Air, Jestar Pacific hứa
giảm ngay 50%số vụ chậm hủy chuyến trong tháng 8
Ngay trong sáng nay, hứa trước Bộ trưởng Đinh La Thăng, đại diện 2 hãng hàng không Vietjet Air và Jestar Pacific khẳng định sẽ giảm ngay 50% sô vụ chậm hủy chuyến trong tháng 7, tháng 8.
“Trong tháng 9, số vụ chậm, hủy chuyến của Vietjet Air sẽ chỉ còn khoảng 10% so với con số hơn 40% hiện nay” – đại diện Vietjet Air cam kết.
Trong khi đó, phía Jestar Pacific cũng khẳng định sẽ giảm số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến xuống còn 5% từ tháng 11 năm nay.
|
“Còn vô cảm thì chưa thể khắc phục được. Trách nhiệm trước hết thuộc Cục Hàng không VN, Vụ Vận tải, sau đó đến Tổng công ty cảng, Tổng công ty quản lý bay rồi mới đến các hãng hàng không. Chúng ta chưa nhận thức đầy đủ vấn đề, chưa vì lợi ích khách hàng, chưa vì lợi ích của người dân. Khách hàng là thượng đế nhưng bắt thượng đế lang thang cơ nhỡ trên sân bay của mình. Không coi là lỗi của mình, coi là việc ở đâu. Các cơ quan đơn vị phải nghiêm khắc với chính mình, kiểm điểm trách nhiệm đơn vị mình đối với việc chậm hủy chuyến trong 6 tháng vừa qua” – Bộ trưởng yêu cầu.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc chỉ huy phối hợp giữa các cơ quan có liên quan chưa tốt. Bản thân các hãng hàng không cũng phối hợp với nhau chưa tốt, có biểu hiện của cạnh tranh không lành mạnh. Chậm hủy chuyến nhiều có thể bị thu hồi giấy phép.
Yêu cầu đưa ngay những tồn tại bất cập hiện nay vào sửa Luật Hàng không VN, Bộ trưởng cũng lưu ý phải xác định rõ trách nhiệm của cơ quan QLNN, đơn vị cơ quan liên quan trong việc để chất lượng dịch vụ chưa cao, có chế tài xử lý.
“Phải quy định cụ thể chậm hủy chuyến đến mức độ nào thì thu hồi Giấy phép kinh doanh. Phải kiểm tra xem có thực hiện đúng phương án kinh doanh không. Kiểm tra thấy vi phạm phải “thổi còi” – Bộ trưởng gợi ý.
Cục Hàng không phải rà soát lại cấp slot (kế hoạch thời gian đến hoặc đi từ một sân bay giành cho một máy bay vào một ngày giờ nhất định) cho các hãng. Nếu để tình trạng đó, phải xem có lợi ích nhóm ở đây không? Năng lực có thế, cấp thêm, chen chúc để làm gì? Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Trước đó, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh phản ánh: Năng lực của sân bay Hải Phòng vào giờ cao điểm cũng chỉ bố trí tối đa 3 chuyến. Trong khi Vietnam Airlines đã được cấp phép 3 chuyến rồi, đột nhiên cơ quan quản lý lại cấp cho Vietjet Air bay xen 1 chuyến vào. Chậm cũng từ đây, do đó thiếu phương tiện phục vụ mặt đất.
“Cục Hàng không VN phải thực hiện ngay việc giám sát việc chậm hủy chuyến. Nội dung, quy trình giám sát phải công bố công khai. Với các hãng hàng không, làm kinh doanh đương nhiên phải nghĩ đến lợi ích, hiệu quả kinh tế nhưng “đừng tham bát bỏ mâm”. Lợi ích khách hàng phải trên hết thì mới tạo được sự bền vững trong phát triển” – Bộ trưởng chỉ đạo.
Cuối cùng, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Hàng không VN ngay trong tháng 7 phải xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới toàn diện nâng cao năng lực QLNN về hàng không.