|
Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu các đơn vị phải nỗ lực hơn nữa hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm |
Nhiều kết quả tích cực
Đúng như tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng, các báo cáo và ý kiến tại hội nghị sơ kết 9 tháng đều đi thẳng vào các vấn đề nóng, những mặt đã làm được, chưa làm được, các vấn đề đang vướng mắc cần tháo gỡ.
Mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cho biết trong 9 tháng qua, Bộ đã chủ trì soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật để Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thuỷ nội địa; cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Tập trung hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam để Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 9. Tổng kết Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường bộ để đề xuất sửa đổi, bổ sung. Trong 9 tháng đầu năm 2014, đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 5 dự thảo nghị định, quyết định và 8 đề án chiến lược, quy hoạch và các đề án khác, đạt 100% kế hoạch. Các cơ quan đã hoàn thành và trình Bộ 64/66 dự thảo văn bản QPPL và 22/22 đề án.
Tiến độ và chất lượng các công trình, dự án đầu tư xây dựng KCHTGT tiếp tục có chuyển biến tích cực. Lãnh đạo Bộ đã quyết liệt trong chỉ đạo và kịp thời xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể đối với các công trình có chất lượng không đảm bảo; kịp thời thay thế các nhà thầu yếu kém vì vậy hầu hết các công trình hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ vượt yêu cầu, phát huy được hiệu quả khi đưa vào sử dụng.
Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được đẩy mạnh và đã đạt được kết quả tốt, đã hoàn thành chuyển đổi 10 Công ty mẹ - Tổng công ty thuộc Bộ sang doanh nghiệp cổ phần, phương án cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công tác cổ phần hóa các doanh nghiệp đã được phê duyệt triển khai đúng tiến độ...
Nhiều mặt công tác khác cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng được tăng cường. Đã chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tấn, báo chí và người dân về các chủ trương, hoạt động, cũng như việc xử lý các vấn đề “nóng” của ngành, được dư luận xã hội và người dân đồng tình, tin tưởng và ghi nhận...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế như việc kêu gọi huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư, phát triển KCHTGT chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đường bộ; các lĩnh vực hàng không, đường sắt, hàng hải, đường thủy nội địa còn hạn chế. Vẫn còn một số dự án chậm trễ do vướng mắc về GPMB, năng lực nhà thầu yếu kém, Nhà đầu tư huy động vốn chậm... Bộ đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan liên quan có giải pháp khắc phục, xử lý. TNGT vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và số người bị thương vẫn còn ở mức cao, số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn xảy ra như vụ TNGT tại Lào Cai, Hải Phòng trong dịp nghỉ Lễ 2/9 vừa qua.
|
Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên báo cáo sơ kết hoạt động của Bộ 9 tháng năm 2014 |
9 tháng, giải ngân 65 nghìn tỷ đồng
Tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông điểm lại 54 dự án đã hoàn tất thủ tục trong 9 tháng qua. Riêng quý III, có 24 công trình dự án được khởi công như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án kéo dài, nâng cấp Đường hạ cất cánh, sân đỗ tàu bay cảng hành không Pleiku, luồng kênh Cái Tráp, tuyến QL3 mới Thái Nguyên - Chợ Mới…
Bộ đã huy động được 34.297 tỷ đồng vốn từ xã hội hóa, đầu tư xây dựng 16 dự án theo hình thức BOT, đạt 107,1% kế hoạch. Từ đầu năm đến nay đã lập và trình báo cáo quyết toán 125/180 dự án, đạt 70% kế hoạch năm 2014; đã phê duyệt 220/305 dự án, đạt 72% kế hoạch năm 2014.
Tổng cộng các nguồn vốn dự kiến giải ngân trong năm 2014 là 83.442 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2014, thực hiện ước đạt 65.487,1 tỷ đồng, đạt 78,5%; giải ngân ước đạt 65.503,8 tỷ đồng, đạt 78,5% kế hoạch năm 2014.
Lấy hành khách làm trung tâm phục vụ
Về vận tải, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ đã chỉ đạo tất cả các lĩnh vực vận tải nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy hành khách là trung tâm để phục vụ. Yêu cầu các bến tàu, bến xe, cảng, nhà ga chỉnh trang, đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác quản lý điều hành, điều độ và thông tin cho hành khách.
Bộ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã phát hiện tồn tại, bất cập trong quản lý, trong điều hành sản xuất để hướng dẫn, chấn chỉnh hoặc xử lý vi phạm hành chính theo quy định. Bộ đã chỉ đạo các Sở GTVT yêu cầu các đơn vị vận tải tổ chức, thực hiện khám sức khỏe định kỳ hoặc đột xuất cho lái xe ô tô kinh doanh vận tải. Bộ đã tổ chức họp các doanh nghiệp, đơn vị bến xe, đơn vị đăng kiểm về triển khai công tác xã hội hóa để các đơn vị, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác Trung tâm đăng kiểm, bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ.
Đặc biệt, điểm nổi bật trong thời gian qua là công tác cải cách hành chính và cải cách thủ tục hành chính của Bộ GTVT đã được xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
Đẩy nhanh thi công nâng cấp QL1A qua Bình Thuận
Trong phần thảo luận, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu ông Hoàng Đình Phúc – Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 1 báo cáo tiến độ dự án thi công nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn qua Bình Thuận. Bộ trưởng cho biết vừa nhận được tin nhắn phản ánh thi công đoạn này rất chậm.
Báo cáo Bộ trưởng, ông Phúc cho biết đoạn qua Bình Thuận có chậm, nhưng với nhiều nỗ lực nên đã có chuyển biến từ cách đây 2 tháng. Đến nay tiến độ cơ bản 80% nền đã hoàn thành. Toàn bộ các cầu đã cơ bản hoàn thành hạ bộ. "Mong Bộ trưởng yên tâm. Các phần cơ bản đã xong. Khó khăn nhất hiện nay đối với đoạn này là chất lượng đá mỏ xấu và yếu. 3 gói thầu có thể thi công nhựa được rồi nhưng chưa dám thi công nhựa", ông Phúc bày tỏ.
Không thể để kéo dài tiến độ dự án quan trọng này, Bộ trưởng yêu cầu Ban QLDA 1 xử lý ngay vướng mắc, chỗ nào thảm được là thảm ngay. Nếu chất lượng đá không đảm bảo thì tìm mua chỗ khác để đẩy nhanh tiến độ.
Không có hủy chuyến bay vì lý do thương mại
Được Bộ trưởng chỉ định báo cáo về tình hình chậm, hủy chuyến, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, sau 2 tháng thực hiện Chỉ thị 15 của Bộ GTVT, tình hình chậm và hủy chuyển đã được cải thiện rõ. Tỷ lệ chậm chuyến đã giảm từ 26,7% xuống chỉ còn khoảng 21,2%. Trong đó, tỷ lệ chậm chuyến của VNA là 12%, Jetstar Pacific là 19%, VietJet Air từ gần 40% giờ chỉ còn khoảng 16%... Tỷ lệ hủy chuyến của các hãng chỉ còn 0,7% so với 1,7% trước đó.
Với sự giám sát của Cục Hàng không, việc hủy chuyến vì lý do thương mại đã không còn. Công tác an toàn cũng được tăng cường. Trong tháng 9 giảm 5 sự cố so với tháng 8, giảm 10 sự cố so với cùng kỳ, không xảy ra uy hiếp nghiêm trọng.
|
Tỷ lệ chậm hủy chuyến bay của Vietjet Air giảm từ 40% xuống 16% |
Báo cáo hội nghị về tiến độ cổ phần hóa Tổng công ty Hàng không VN (VNA), ông Phạm Viết Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNA cho biết, dự kiến đến 14/11 sẽ chính thức bán đấu giá lần đầu cổ phiếu ra thị trường. Ngày 12/3/2015 sẽ tổ chức đại hội cổ đông lần đầu và tháng 4 chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần.
Bộ trưởng Đinh La Thăng lưu ý VNA đã rất nỗ lực vượt qua khó khăn, đảm bảo có lãi, tái cơ cấu được đẩy mạnh tuy nhiên VNA phải tăng tính cạnh tranh. Hệ số sử dụng ghế của VNA hiện vẫn thấp hơn Vietjet, đây là điều VNA phải suy nghĩ, để đẩy mạnh hiệu quả sản xuất kinh doanh hơn nữa.
Giải đáp nhiều vấn đề “nóng”
Kiến nghị từ địa phương, Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Chung cho biết, việc duy tu sửa chưa đang khó khăn trong giải ngân do thực hiện Chỉ thị 1792 và Thông tư 86 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước. Các dự án phải có quyết định đầu tư từ thời điểm trước ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch. Tuy nhiên, các công trình ATGT mang tính cấp bách, đầu năm mới được duyệt nên kho bạc không giải ngân. Kiến nghị Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng không áp dụng nguyên tắc này đối với các công trình đảm bảo ATGT cấp bách.
Quỹ bảo trì đường bộ của thành phố vừa hoạt động, nguồn vốn đang ít, nên đề nghị nghiên cứu phân bổ nguồn vốn theo tỷ lệ quy định để thành phố có duy trì đảm bảo ATGT.
Theo ông Chung, trong 9 tháng các dự án giao thông của TP vốn giao hơn 5.000 tỷ, đã giải ngân 2380 tỷ đạt hơn 58%. Sở dĩ chưa đạt cao ngoài lý do trên còn do các công trình vốn duy tu, thành phố chưa ban hành mức lương tối thiểu, chưa thực hiện được hợp đồng.
Về sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết số tiền Quỹ phải cân đối chung cho cả nước nên chưa thể đáp ứng kiến nghị của TP HCM.
Riêng kiến nghị về vốn cho các dự án ATGT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị Sở GTVT TP HCM phân biệt rõ 2 nguồn vốn là từ đâu. Nếu dùng vốn sự nghiệp của Bộ thì không ảnh hưởng. Nhưng đối với các dự án, duy tu sửa chữa vừa và lớn thì phải theo quy trình.
Xóa cơ chế xin – cho trong vận tải
Tại hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN Nguyễn Văn Thanh nêu vấn đề bức xúc, cần xóa bỏ cơ chế xin cho trong vận tải ô tô. Có chuyện một doanh nghiệp đến xin mở tuyến, ông giám đốc của địa phương a đồng ý, nhưng ông đầu b không đồng ý. Thế là đi xin, xin không được thì dùng tiền để mua, thậm chí bằng rất nhiều tiền. Cái này anh em đều nói, nhưng bảo đưa bằng chứng thì phải có công an vào cuộc. Doanh nghiệp vận tải mong xóa bỏ và công khai minh bạch từng tuyến để có hướng đầu tư. Cái này cần nói rõ trong Thông tư sửa đổi tới đây, ông Thanh đề xuất.
Ông Thanh cũng "nhờ' Bộ GTVT giục các tỉnh lập hiệp hội vận tải địa phương. Hiện mới có khoảng 51 hiệp hội, còn các tỉnh miền Tây chưa có. Hoạt động vận tải rất cần có hiệp hội, ông Thanh nói.
Kiến nghị hướng xử lý xe quá tải, ông Thanh cho rằng cần siết mạnh trách nhiệm của cảng bến, không nên "đánh" vào người vận tải, lái xe. Vì đã thả ra đường rồi, rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, ý kiến này lập tức được nguyên Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức - Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường VN phản bác. Ông Đức cho rằng, chủ hàng có muốn chở quá tải mà nhà xe từ chối thì cũng không có vi phạm. Do vậy trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về người vận chuyển. Tới đây cần lắp đặt cân tại trạm thu phí, xe quá tải buộc phải dỡ hàng mới cho qua.
Chủ tịch Ngô Thịnh Đức cũng đề nghị Bộ GTVT xây dựng hệ thống quản lý KHCN từ Bộ đến các đơn vị. Nếu các doanh nghiệp trong ngành GTVT không tiếp nhận công nghệ mới thì năng suất lao động sẽ vẫn thấp. Hội KHKT cầu đường sẵn sàng đồng hành cùng Bộ GTVT.
Báo Giao thông như món ăn tinh thần của người lao động
Phát biểu về công tác truyền thông, ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông đánh giá, công tác truyền thông chung của Bộ GTVT trong thời gian qua thực sự có bước đột phá. Người dân và doanh nghiệp đã tiếp cận được thông tin về Ngành, chủ trương xử lý các vấn đề nóng rất nhanh chóng. Chưa có bộ nào minh bạch thông tin như Bộ GTVT.
"Là cơ quan ngôn luận của Bộ, Báo Giao thông đã và đang hết sức nỗ lực để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Bên cạnh việc mở rộng phát hành báo giấy, Báo định hướng phát triển mạnh báo điện tử để thông tin kịp thời, lan tỏa rộng rãi hơn. Trong tháng 11 này sẽ ra mắt phiên bản mới với giao diện mới và phiên bản mobile, sẽ kết nối mạnh mẽ hơn với mạng xã hội. Báo Giao thông sẽ tham gia tích cực vào đề án nâng cao công tác truyền thông của Bộ GTVT, định hướng kết nối mạng xã hội. Nếu kết nối được nửa cán bộ nhân viên trong ngành để trao đổi thông tin, tăng cường kết nối qua mạng xã hội thì hiệu quả truyền thông tốt hơn", ông Kiên nói.
Để đáp ứng được chỉ đạo của Bộ, ông Kiên mong cán bộ chủ chốt của ngành chia sẻ thông tin kịp thời để định hướng thông tin chính xác, truyền thông tốt nhất những vấn đề dư luận đang quan tâm.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng Báo Giao thông thời gian qua có nhiều cố gắng trong thông tin đến bạn đọc các chủ trương chính sách lớn về GTVT, giải thích thấu đáo các vấn đề nóng về giao thông với cách thông tin đa chiều, dễ hiểu và bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của dư luận. Để Báo có thể hoàn thành nhiệm vụ, Bộ trưởng đề nghị tất cả cơ quan phải mua và đọc báo, coi đây như món ăn tinh thần hàng ngày.
Không còn “Bộ Đường sắt”
Một vấn đề nóng nữa được đặt ra tại hội nghị, đó là đòi hòi đổi mới với đường sắt. Ông Vũ Tá Tùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, đây đang là thời kỳ khó khăn nhất đối với Tổng công ty.
Ông Tùng báo cáo: "Chúng tôi nhận thức được chúng tôi đang đi bộ trong khi các ngành khác chạy. Để đổi mới được, chúng tôi đã đưa tiêu chí định hướng khách hàng là trọng tâm, phải đặt mình vào vai khách hàng thì khó mấy cũng làm".
Ông Tùng lấy dẫn chứng việc bỏ kiểm soát ở cửa vé. Các ga cứ kêu khó lắm, không làm được. Nhưng sau quyết tâm thì làm rất tốt. Giảm giá vé rất sâu trên các cự ly. Mấy năm qua khách đi từ HN-SG giảm nhanh, nhưng với đợt giảm giá kích cầu này thì đã có dấu hiệu tăng. Quý 3 tăng 14%. Hiện đường sắt đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng không giá rẻ nhưng chúng tôi sẽ đổi mới để thu hút hành khách, kinh doanh hiệu quả hơn. Ông Tùng bày tỏ: " Mong Đảng, Chính phủ và Bộ quan tâm hơn nữa đến đường sắt. Trước mắt hiện đại hóa đường sắt Bắc - Nam, sau đó khởi động đường sắt tốc độ cao. Thí điểm 1- 2 đoạn Sài Gòn – Nha Trang và Hà Nội - Vinh để kêu gọi xã hội hóa".
Công nhận đường sắt đã có đổi mới trong nhận thức, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: TCT Đường sắt VN đã không nhận mình là “Bộ Đường sắt” nữa mà là đơn vị kinh doanh, hoạt động đúng chức năng doanh nghiệp. Tới đây đề nghị đường sắt làm quyết liệt hơn nữa, nâng cao chất lượng dịch vụ hơn nữa.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Trần Doãn Thọ cũng nhận xét đường sắt đã khác hẳn so với trước đây rất nhiều, nhất là thái độ phục vụ tốt của nhân viên trên tàu, tàu cũng không còn mùi hôi như trước.
Không để bất kỳ công trình nào chậm tiến độ
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc hơn nữa lựa chọn nhà thầu đủ năng lực thi công các dự án giao thông. Bộ GTVT khẳng định không để bất kỳ công trình nào chậm tiến độ, yêu cầu Hiệp hội KHKT phối hợp; nhằm quản lý chặt chẽ vốn đầu tư, tránh thất thoát.
Về việc sửa Thông tư thay thế Thông tư 18, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp thu các kiến nghị hợp lý của các hiệp hội, doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Các dự án thi công phải đảm bảo ATGT trong quá trình nâng cấp cải tạo, cố gắng tiến độ nhưng phải an toàn. Bộ trưởng cũng đề nghị Hiệp hội vận tải ô tô VN tuyên truyền giúp đến người dân, doanh nghiệp và lái xe để chia sẻ. Khi nâng cấp thì đương nhiên phải ngăn đường, chắc chắn phải khó khăn. Bộ sẽ chỉ đạo hạn chế thấp nhất ảnh hưởng, nhưng người dân cũng phải chia sẻ.
Ngành GTVT đạt được nhiều kết quả tích cực. Công tác cải cách hành chính được người dân và xã hội ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp của ngành đổi mới tốt, tái cơ cấu tốt.
Những tháng còn lại của năm, Bộ trưởng yêu cầu tất cả phải nỗ lực hơn nữa. Tập trung tái cơ cấu ngành, trong đó tái cơ cấu đầu tư, doanh nghiệp và vận tải. Chỉ đạo nâng cao năng suất chất lượng hiệu quả. Đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, kêu gọi nguồn lực xã hội. Tái cơ cấu ngành GTVT phải gắn chặt với tái cơ cấu nền kinh tế cả nước.
Tập trung tiến độ các dự án như QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên. Đây là dự án trọng điểm được Đảng, Chính phủ, Quốc hội và nhân dân đặc biệt quan tâm. Năm 2015 phải hoàn thành mở rộng QL1 từ Hà Nội – Cần Thơ và đường HCM qua Tây Nguyên. Bộ trưởng nhắc lại: "Đây là lời hứa, là trách nhiệm của toàn ngành, phải sớm đưa vào khai thác các dự án để đem lại lợi ích cho nền kinh tế và thuận lợi cho người dân đi lại".
Bộ trưởng khẳng định Bộ GTVT sẽ tiếp tục cải cách hành chính và thủ tục hành chính mạnh mẽ, tương tác tốt hơn với người dân và doanh nghiệp. Công khai minh bạch những điều đã làm được và chưa làm được để người dân hiểu, chia sẻ và giám sát. Bộ trưởng phê bình Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc vừa qua đã không làm tốt công tác truyền thông trước khi đưa vào khai thác dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến dư luận rất bức xúc về vết nứt và các điểm chờ lún trên tuyến.