|
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vận tải |
Xin ông cho biết vì sao Bộ GTVT lại sửa đổi một loạt quy định về quản lý và cấp GPLX đường bộ?
Vừa qua, Bộ trưởng GTVT đã ban hành Thông tư số 48/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 46 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ. Việc sửa đổi này nhằm tạo thuận lợi cho người dân có GPLX ô tô hạng B1(người không hành nghề lái xe) không phải đổi GPLX nhiều lần; Tạo điều kiện cho người nước ngoài có GPLX quốc tế có thể lái xe ở Việt Nam mà không phải làm thủ tục đổi GPLX; Đồng thời, giảm thời gian đổi GPLX cho những người có GPLX được cấp ở địa phương này nhưng lại đổi GPLX ở các địa phương khác.
Theo quy định này, thay vì có giá trị 10 năm như hiện nay, thì từ 1/12, GPLX ô tô con hạng B1 sẽ cấp cho người lái xe có thời hạn đến tuổi nghỉ hưu?
Đúng vậy. Trước đây, Thông tư số 46 quy định thời hạn của GPLX hạng B1 là 10 năm kể từ ngày cấp. Thông tư mới thì quy định: “GPLX hạng B1 cấp cho tài xế có thời hạn đến đủ 55 tuổi đối với nữ và đến đủ 60 tuổi đối với nam. Trường hợp tài xế trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp”.
Như vậy có thể hiểu là sau 55 tuổi đối với nữ và sau 60 tuổi đối với nam thì không được lái xe nữa?
Vừa qua tôi cũng nhận được một số câu hỏi như vậy. Xin nói lại cho rõ là sau độ tuổi trên, người dân vẫn được cấp GPLX nếu đủ sức khỏe và có đủ hồ sơ theo quy định. Thời hạn của GPLX đối với những đối tượng này là 10 năm. Ví dụ: Chị A đủ 18 tuổi được cấp GPLX lần đầu thì thời hạn của GPLX đến 55 tuổi. Sau 55 tuổi, nếu chị A muốn tiếp tục lái xe thì phải đổi GPLX, thời hạn của GPLX những lần đổi sau có thời hạn 10 năm.
Ông B 59 tuổi mới học lái xe thì thời hạn cấp GPLX cho ông B là 10 năm; Sau 69 tuổi, nếu ông B muốn tiếp tục lái xe thì phải đổi GPLX, thời hạn của GPLX những lần đổi sau vẫn có thời hạn là 10 năm.
|
Người dân chờ làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe |
Những quy định mới này có ảnh hưởng gì đến người lái xe taxi hay xe buýt không?
Thông tư số 48 chỉ điều chỉnh thời hạn của GPLX hạng B1 (người không hành nghề lái xe); Còn thời hạn GPLX của các hạng xe khác vẫn giữ nguyên như cũ.
Việc cấp đổi GPLX theo Thông tư mới có lợi gì cho người dân, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta không đổi GPLX quốc tế sang GPLX của Việt Nam. Tuy nhiên, từ 1/12 tới, thực hiện Thông tư số 48, thì người nước ngoài hoặc người Việt Nam cư trú ở nước ngoài có nhu cầu lái xe ở Việt Nam nếu có GPLX quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp, còn thời hạn sử dụng thì được lái loại xe quy định đã ghi trong GPLX mà không phải đổi sang GPLX Việt Nam.
Ngoài ra, trong mọi trường hợp, cơ quan cấp đổi GPLX phải cấp cho người dân trong thời gian không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định. Còn như hiện nay, người có GPLX do địa phương khác quản lý phải chờ 25 ngày làm việc mới có thể đổi GPLX.
Đã có rất nhiều điểm mới được áp dụng, vậy trong thời gian tới, Bộ GTVT có chủ trương gì mới trong quản lý đào tạo, sát hạch lái xe, thưa ông?
Nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX; Giảm thiểu các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân luôn là quan tâm hàng đầu của Bộ trưởng GTVT.
Chính vì vậy, vừa qua Bộ trưởng đã có văn bản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Sở GTVT các tỉnh, thành và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp, trong đó tăng cường thanh, kiểm tra đột xuất; Quan tâm đến sức khỏe của người lái xe. Bộ sẽ nghiên cứu lắp đặt thiết bị chấm điểm tự động đối với 2 km đường giao thông công cộng; Rà soát chương trình đào tạo lái xe cho phù hợp với thực tiễn; Hướng dẫn quy trình sát hạch theo hướng thắt chặt đầu ra; Tăng cường tập huấn cho đội ngũ giáo viên, sát hạch viên và cán bộ quản lý các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe hạng A1 (xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 50 - 175 cm3).