Theo số liệu của Uỷ ban ATGT Quốc gia, xe máy hiện đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện giao thông hiện đang hoạt động trên cả nước với những ưu điểm nổi trội, như tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ, .. Tuy nhiên, xe máy hiện đang là phương tiện có nguy cơ tai nạn giao thông cao nhất trong số những phương tiện đường bộ. Điều này đòi hỏi cần phải tăng cường quản lý nhằm đảm bảo an toàn, kéo giảm nguy cơ tai nạn cho hoạt động tham gia giao thông của người sử dụng xe máy.

Ông Khuất Việt Hùng phát biểu tại hội thảo.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết “Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu công bố, đánh giá nghiên cứu của Ngân hàng thế giới về ATGT đối với người điều khiển mô tô, xe máy, đồng thời tao điều kiện để các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải, các đơn vị sản xuất xe máy trao đổi và thảo luận các kết quả nghiên cứu khoa học, các kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến an toàn đối với người đi xe máy, mô tô. Các kết quả của Hội thảo sẽ được Ủy ban ATGT Quốc gia chọn lọc, sử dụng trong quá trình xây dựng các kế hoạch, chiến lược bảo đảm an toàn giao thông trong năm 2015 và các năm tiếp theo”.
Ông Dominic Patella, Chuyên gia Giao thông của Ngân hàng Thế giới cho biết, từ năm 2003 tới năm 2009, tỷ lệ sở hữu xe máy ở Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, tác động của việc này thể hiện rất rõ ràng tại các đô thị Việt Nam. Vì vậy, nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới tập trung vào tìm hiểu hành vi giao thông của người sử dụng xe máy, cũng như các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn của khi mua mô tô, xe máy của người dân.
Số liệu thống kê từ cuộc nghiên cứu cho thấy, tình trạng vi phạm của người điều khiên mô tô, xe máy đang là thách thức với các nhà quản lý. Có đến 42 triệu mô tô, xe máy được đăng kí, chiếm 90% số lượng phương tiện. TNGT do mô tô, xe máy gây ra chiếm 70.1%, vi phạm giao thông của người điều khiển xe máy chiếm 68%.

"Hệ thống đèn giao thông ở Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, cần nâng cấp để tránh xung đột
giữa các làn."_ Ông David Spice cho biết
Ông David Spice, Trưởng đoàn nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho biết Hà Nội có tỷ lệ người sử dụng phương tiện công cộng thấp hơn và có tỷ lệ sử dụng phương tiện cá nhân cao hơn các quốc gia khác. Người sử dụng xe máy dễ gặp tai nạn hơn, lại vừa phải chịu sự ô nhiễm từ chính xe của mình thải ra. Người lái xe mặc dù vẫn lo lắng về độ an toàn, những rủi ro có thể gặp phải khi sử dụng xe máy, nhưng bản thân họ vẫn lái xe một cách “không an toàn” như chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, lạng lách… Nghiên cứu cũng cho thấy, không phải sự gia tăng sở hữu phương tiện, mà sự gia tăng sử dụng ô tô, xe máy mới gây ra vấn đề về giao thông.
Ông David Spice cũng đề xuất một số giải pháp giải quyết những vấn đề này, trong đó nổi bật có giải pháp Chính phủ cần khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều hơn là phương tiện giao thông cá nhân. Ông cũng nhấn mạnh rằng, cần phải có giải pháp đồng bộ, phối hợp nhiều phương án, chính sách nếu muốn quản lý tốt việc sử dụng phương tiện cá nhân ở Hà Nội.