|
Anh Danh bị TNGT nằm liệt giường khiến con lớn nghỉ học, đường đến trường của ba con kế tiếp cũng gập ghềnh, chông chênh hơn bao giờ hết |
“Ba đâu không về rứa mẹ”
Căn nhà cấp bốn của chị Trần Thị Vẻ (32 tuổi, xã Thủy Bằng, TP Huế, Thừa Thiên-Huế) nằm sát mé đoạn dốc con đường chính đổ về cuối xã. Ngoài bộ bàn ghế tuềnh toàng, ngôi nhà nhỏ chẳng gì giá trị. Bức tường gạch xây dang dở để cho những luồng gió lạnh mặc sức lùa vào khắp các ô cửa. Bàn thờ anh Ngô Viết Đức - chồng chị, đặt giữa phòng khách. Bức trướng vàng phủ tang thương ghi rõ ngày giờ anh Đức ra đi sau vụ TNGT ngày 8/5/2014, càng khiến căn nhà thêm lạnh lẽo. “Sáng sớm, anh bắt đầu đi làm thì gặp hai thanh niên cùng xã đi hái đào về. Cú tông mạnh khiến chồng tôi hôn mê. Bốn ngày, ba đêm cứu chữa khẩn cấp ở bệnh viện nhưng ảnh không qua khỏi”, chị Vẻ nghẹn ngào kể.
Người khô rộc, mặt khắc khổ, nhìn chị Vẻ già hơn so với tuổi 32. Chẳng còn nước mắt để khóc sau nỗi đau quá lớn mất chồng. Anh Đức ra đi để lại chị cùng ba đứa con thơ dại. Giờ với chị luôn là nỗi lo thường trực để kiếm cái gì cho con ăn học mỗi ngày. Bà Hồ Thị Trâm, bà nội anh Đức ôm ghì các cháu nhỏ, bật khóc khi có người lạ vào. “Đầu bạc phải tiễn đầu xanh con ơi. Thằng Đức đi rồi, ai nuôi mấy đứa nhỏ đây. Thân già này chẳng còn mấy chốc”, giọng bà khản đặc. Nỗi đau ngày anh Đức ra đi vì TNGT dường như mới chỉ cách đây một sớm chiều.
"Không chỉ người tử vong, bị thương, ngay người thân, đặc biệt các em nhỏ chính là nạn nhân hiện hữu nhất của các vụ TNGT. Hoàn cảnh gia đình anh Đức, anh Danh là “điển hình sống” cho nỗi đau, hậu quả TNGT rất cần sự sẻ chia, chung tay của toàn xã hội. Sau ánh mắt khắc khoải, lẫn vẻ hồn nhiên mơ hồ của trẻ thơ kia sẽ là mịt mù vô định của tương lai nếu không được cộng đồng giúp sức”.
Ông Trần Bá Trung
Chánh Văn phòng
Ban ATGT tỉnh Thừa Thiên-Huế
|
Khi còn sống, anh Đức làm nghề phu hồ. Thua nhau đến ba tuổi, nhưng anh chị sớm nên duyên rồi có với nhau ba mặt con. Con trai lớn Ngô Quốc Anh năm nay mới 5 tuổi, đang học mẫu giáo. Hai con kế chỉ cách nhau năm một: Ngô Quốc Tuấn 4 tuổi và Ngô Quốc Vũ vừa tròn 3 tuổi. Ba anh em như ba giọt nước, hồn nhiên khi thấy người lạ ra vào. Chỉ ánh mắt thỉnh thoảng khắc khoải, như mơ hồ chưa định hình hết thế nào là nỗi đau mất cha. “Tội lắm, thấy ai trạc tuổi ba vào nhà, là nó cứ theo miết. Nhất là thằng cu Vũ. Nó cứ kéo áo mà gọi: Ba ơi, ba ơi! Chẳng ai cầm nước mắt, cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc”, bà Trâm bảo.
Chị Vẻ kể, nhiều đêm mấy đứa nhỏ bật dậy thảng thốt gọi cha. Mấy đứa cứ quay sang tôi mà hỏi: “Ba đi đâu răng không về rứa mẹ? Vẫn biết tang thương này thật khó khỏa lấp nhưng nghe con thơ gọi cha, lòng tôi như xát muối, đau đớn lắm”.
Chị Vẻ thất nghiệp, chạy chợ, rồi kiếm mấy công việc “đụng” qua ngày. Gọi là “đụng” vì đụng đâu làm đó. Lúc phụ hồ, lúc đúc bê gạch, khi làm thuê phụ việc nhà. Ngày nào may lắm được chừng hơn trăm ngàn, góp sức cùng chồng lo cho con cái. Anh chị vừa dành dụm, vay mượn cất được căn nhà nhỏ thì tai ương ập đến. “Hai vợ chồng đâu dám đẻ nhiều, chỉ mong có con gái cho “có nếp có tẻ” nên mới ráng. Giờ lo cho mình còn khó, huống chi là ba đứa nhỏ”, chị Vẻ ái ngại.
Hậu quả TNGT “nhãn tiền” trong căn nhà nhỏ. Hai đứa con út chẳng đủ tiền mua sữa, con trai cả sắp phải nghỉ học giữa chừng vì lo toan học phí. Bà Trâm bảo: “Không biết rồi đây, tương lai chúng ra sao. Ngày ba nó còn chỉ mong con cái được học hành tới nơi tới chốn”.
Chông chênh đường đến trường
Cũng hoàn cảnh khó khăn chẳng kém là gia đình chị Đinh Thị Thủy (45 tuổi, tổ dân phố Lập An, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế). Nhìn những chồng giấy khen dày cộp của các con, chị Thủy tư lự: “Nhà khó khăn nhưng bù lại đứa nào cũng học giỏi, ngoan ngoãn. Chỉ tiếc, từ ngày ba chúng bị TNGT, việc học đứt quãng, chông chênh hơn”.
Anh Nguyễn Danh, chồng chị Thủy trong lần đón con trai cả Nguyễn Tiến Đạt (lớp 11, Trường THPT Thừa Lưu, Phú Lộc) không may tránh phương tiện ngược chiều, tông vào lề đường, bất tỉnh. Có bao nhiêu tiền của dành dụm trong nhà chị Thủy đều mang ra chạy chữa, tìm đường sống cho chồng.
Chị bán gấp căn nhà cũ trên đường Lạc Long Quân (Lăng Cô) lấy 165 triệu đồng nhưng vẫn chưa đủ tiền điều trị. Sau đó, chị Thủy tiếp tục chạy vạy vay cả trăm triệu đồng lo viện phí. Anh Danh tỉnh lại, nhưng mãi mãi chịu cảnh liệt giường, mất sức lao động.
Góc phòng nhỏ trong căn nhà ở nhờ bố mẹ ruột, anh Danh nhúc nhích vài ngón tay khó nhọc. Khuôn mặt đờ dẫn, mệt mỏi. Giờ anh không thể nói như người bình thường. Mỗi ngày, chị Thủy và các con thay phiên nhau chăm chồng, cha. Bà Nguyễn Thị Bưởi (64 tuổi), mẹ anh Danh bảo: “Vừa rồi đền bù giải tỏa dự án mở rộng QL1, cả nhà được gần 280 triệu đồng. Tôi trích ra trăm triệu giúp con trả nợ. Căn nhà cũ bị giải tỏa trắng nhưng không biết đến ngày nào mới đủ tiền dựng lại mái nhà phía sau. Sợ nhất là cháu nó (anh Danh - PV) thiếu chỗ nằm điều trị bệnh”.
Theo UBND thị trấn Lăng Cô, địa phương đã hỗ trợ khẩn cấp gia đình anh Danh 30 triệu đồng. Nhưng với hoàn cảnh hiện nay, số tiền này rất khó để gia đình anh có thể cất lại căn nhà khi đã bán nhà cũ đổ vào điều trị bệnh tình.
Chồng nằm liệt giường, một mình chị Thủy lo gánh gồng 5 miệng ăn trong nhà. Con trai lớn Tiến Đạt chưa bình phục vết thương gãy chân sau vụ TNGT cùng bố, giờ đành nghỉ học vì kinh tế quá khó khăn.
“Nhìn Đạt bỏ học giữa chừng, cả nhà xót lắm. Cháu vốn là học sinh giỏi nhiều năm qua. Cả nhà vẫn giấu ba nó, sợ anh nghe lại nặng bệnh thêm”, chị Thủy bộc bạch. Con thứ Nguyễn Tiến Việt đang gắng gượng theo học lớp 10. Hai con út Nguyễn Thị Thanh Tâm, Nguyễn Thị Kiều Thanh đang theo học tiểu học. Giọng Kiều Thanh lí nhí: “Cháu tranh thủ mượn sách của bạn học thêm, bớt tiền mua sách vở cho mẹ. Mẹ bảo chúng cháu phải cố gắng học giỏi để làm ba vui, chữa bệnh tốt hơn”.
Giọng chị Thủy đứt đoạn: “Từ ngày anh đổ bệnh, cả nhà như đổ sụp theo. Mất nhà, không còn trụ cột, tôi không biết một mình có thể cáng đáng cho các cháu học đến năm nào. Đầu năm học, ba đứa tốn đến vài triệu bạc. Các cháu mà nghỉ học giữa chừng là cái tội của cha mẹ, nhưng hoàn cảnh khó khăn chúng tôi cũng đành cắn răng chịu đựng”.