|
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin vào quản lý an toàn, giảm tai nạn giao thông |
Lần đầu tiên sau nhiều năm, trong hai năm liền 2012 - 2013, số người chết do TNGT giảm xuống dưới 10.000 người, đặc biệt năm 2014, số người chết đã giảm xuống dưới 9.000 người, giảm được 2.400 người so với năm 2011. Đây là những con số có ý nghĩa quan trọng vì tính mạng con người là quý giá nhất.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nêu những tồn tại trong năm là vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe container. TNGT trên địa bàn nông thôn vẫn diễn biến phức tạp, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muốn, năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông, hiệu quả của công tác TTKS, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế.
“Trong bối cảnh nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phương tiện cơ giới ngày càng gia tăng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải có thêm nhiều nỗ lực, cố gắng hơn nữa để kiềm chế TNGT. Nghị quyết số 87 của Quốc hội giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT 2015 là giảm cả 3 tiêu chí từ 5-10% ở từng địa phương”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
|
Gần 400 đại biểu đã tham dự hội nghị ATGT năm 2014 do Uỷ ban ATGT quốc gia tổ chức tại Hà Nội |
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc tổ chức diễn đàn khoa học về ATGT. Theo Phó Thủ tướng, tuy mới được thành lập hơn một năm nhưng diễn đàn đã có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia có uy tín trong nước, là nơi gắn kết, đồng hành của các nhà khoa học, chuyên gia với các cơ quan quản lý nhà nước trong niệm vụ bảo đảm trật tự ATGT của đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị hội nghị tập trung thảo luận các giải pháp để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo đảm trật tự ATGT trên các lĩnh vực: quản lý ATGT, kết cấu hạ tầng, phương tiện, người tham gia giao thông và xử lý, ứng phó sau tai nạn. Trong đó, cần quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống giao thông thông minh; nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), TNGT mỗi năm khiến gần1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương và gây thiệt hại ước tính khoảng 3% GDP của toàn thế giới.
|
Phó Chủ tịch chuyên trách UB An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng phát biểu tại hội nghị |
Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tai nạn giao thông liên tiếp được kéo giảm trong 3 năm gần đây. Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác giảm TNGT ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với năm trước nhưng năm 2014 vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe chở container, TNGT trên địa bàn nông thôn vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, công tác kiểm soát tại trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muồn, công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm vẫn còn hạn chế,…
Đây chính là những vấn đề, thách thức đặt ra cho Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, các bộ, ban, ngành, địa phương và toàn xã hội trong năm 2015 và những năm tiếp theo để hoàn thành nhiệm vụ Quốc hội giao phó về bảo đảm trật tự ATGT năm 2015 là giảm TNGT từ 5-10% trên cả 3 tiêu chí ở tất cả các địa phương.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2014 diễn ra trong ngày hôm nay với sự tham gia của gần 400 đại biểu nhằm trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, các kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực ATGT tại Việt Nam để có giải pháp cho các năm tiếp theo.
Cuối buổi sáng nay, các đại biểu đã tham gia vào 5 tiểu ban để chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi sâu hơn vào các nhóm vấn đề như Quản lý An toàn giao thông; hạ tầng và tổ chức giao thông; phương tiện giao thông; người tham gia giao thông, ứng phó tai nạn giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng cho biết: “Hội nghị là diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý cùng nhau trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, để xuất những ý tưởng về lĩnh vực đảm bảo an toàn giao thông nói chung và lĩnh vực GTVT nói riêng. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để phát triển các mối quan hệ, hợp tác trong nghiên cứu vì sự nghiệp phát triển chung của ngành GTVT. Các kết quả nghiên cứu sẽ được Ủy ban ATGT Quốc gia chọn lọc, sử dụng trong quá trình xây dựng kế hoạch, chiến lược bảo đảm ATGT trong năm 2015 và các năm tiếp theo”.