|
TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) chủ trì cuộc thảo luận "Ứng phó sau TNGT" |
Chỉ một nửa nạn nhân được sơ cứu đúng chuyên môn
Theo TS.Nguyễn Đức Chính, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt – Đức, chấn thương sọ não đứng thứ hai, sau chấn thương mặt cổ nhưng đứng đầu về tử vong. Chỉ 9 tháng của năm 2014, Bệnh viện Việt – Đức đã cấp cứu tới 27 nghìn trường hợp tai nạn thương tích, trong đó có đến gần 19 nghìn trường hợp do TNGT. Trong số các ca đến cấp cứu tai nạn thương tích tại Bệnh viện Việt – Đức thì có đến 76% là TNGT, chiếm tỷ lệ cao nhất. Điều đáng tiếc là hầu hết khi đưa nạn nhân đến bệnh viện, đa số đều được sơ cấp cứu không đúng qui cách dẫn đến hậu quả, để lại di chứng cho nạn nhân.
Tham luận tại hội thảo, GS Vũ Văn Đính, Chuyên gia cao cấp Bộ Y tế, Nguyên trưởng khoa Hồi sức cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Chủ tịch hội hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết thêm: “Theo báo cáo cuối kỳ của Nghiên cứu Quy hoạch tổng thể ATGT đường bộ tại Việt Nam về Chăm sóc y tế trước khi đến bệnh viện đáp ứng với TNGT, các thông tin về cấp cứu còn chậm, không đáp ứng được nhu cầu về “thời gian vàng” trong cấp cứu chấn thương.
Theo đó, cấp cứu tại hiện trường phần lớn do cộng đồng thực hiện. Có 34,8% không được xử trí cấp cứu. Trong 65,2% ca được xử trí cấp cứu thì có hơn một nửa không đạt yêu cầu về chuyên môn.
Đặc biệt, nhiều nạn nhân không được vận chuyển đến bệnh viện bằng các xe cấp cứu chuyên dụng mà bằng các phương tiện khác như: taxi, xe ôm hoặc thậm chí bằng cả xe tải.
Hiện nay các trung tâm cấp cứu 115 trên toàn quốc mới đáp ứng được 10- 15% nhu cầu cấp cứu tại địa phương mình, trong đó 80% là cấp cứu nội khoa. Số nạn nhân TNGT được vận chuyển, cấp cứu bằng 115 còn thấp, chỉ chiếm khoảng 10-15% số nạn nhân TNGT đến các cơ sở y tế”.
Theo ông Đính, tình trạng này xuất phát từ nguyên nhân đội ngũ nhân viên y tế phục vụ cấp cứu trước bệnh viện nói chung và cấp cứu TNGT nói riêng còn rất thiếu cả về chất và lượng. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành cấp cứu trước bệnh viện. Do chưa được quan tâm đúng mức nên, thiếu cơ hội nâng cao tay nghề, chưa được nhân dân và cán bộ y tế ủng hộ nên nhân viên phục vụ trên xe cấp cứu chưa gắn bó với nghề, thường chuyển sang bệnh viện khác khi có điều kiện.
Một yếu tố xã hội khác gây ảnh hưởng không nhỏ đến cấp cứu TNGT, đó là còn tồn tại quan niệm việc cấp cứu TNGT là “công việc của riêng ngành y tế” vì vậy những lực lượng khác như Công an, lái xe… chưa được đào tạo về cấp cứu tai nạn giao thông hoặc chưa nhiệt tình tham gia cấp cứu TNGT.
Một nguyên nhân nữa là các trang thiết bị cấp cứu trên xe cứu thương còn thiếu đồng bộ, chưa được bảo trì bảo dưỡng thường xuyên gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cấp cứu tai nạn giao thông.
Mong bệnh viện không bị quá tải vì nạn nhân TNGT
Tham luận tại hội thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tâm sự: “Thực tình, chúng tôi chỉ mong muốn giảm tải được công việc. Bao nhiêu năm nay Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Trong số này, căng thẳng nhất là Khoa Chấn thương chỉnh hình. Trong đó, hầu hết bệnh nhân đều là do TNGT”.
Theo TS.Nguyễn Đức Chính, cần khẩn trương bổ sung nhân lực cho hệ thống cấp cứu TNGT, tập trung phát triển chuyên ngành bác sĩ cấp cứu và điều dưỡng cấp cứu tại các trường đại học, cao đảng và trung học y tế. Bên cạnh đó cần có giải pháp và đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, chính sách và trang thiết bị.
“Giải pháp then chốt thời gian tới là nâng cấp hệ thống quản lý thông tin liên lạc như: quản lý xe cứu thương, các đội cấp cứu tại trung tâm hoặc tại các trạm bằng hệ thống định vị toàn cầu một cách hiệu quả. Đặc biệt cần có liên lạc giữa hiện trường, xe cấp cứu và trung tâm điều phối thông tin với các khoa cấp cứu, các bệnh viện”, ông Chính cho biết.
Đưa ra giải pháp về vấn đề này, ông Vũ Văn Triển, Cục trưởng Cục Y tế GTVT cho rằng, thực tế tỷ lệ tử vong do TNGT ở nước ta ở mức cao dù đã có rất nhiều giải pháp và nhiều nguyên nhân được làm rõ, đưa ra. Theo đánh giá thì ai sẽ là người tiếp cận trước tiên với nạn nhân TNGT, đó là lái xe và những người dân sinh sống tại những cung đường. Những đối tượng này phải được đào tạo về kỹ năng sơ cấp cứu TNGT. Theo đề án của Bộ GTVT thì trong năm 2016 sẽ phải đào tạo xong các đối tượng này để góp phần vào việc sơ cấp cứu TNGT ngay khi tai nạn xảy ra.
Hiện chương trình đào tạo lái xe cũng đã được bổ sung nội dung sơ cấp cứu cho nạn nhân TNGT. Đây cũng là một giải pháp nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao khả năng sơ cấp cứu TNGT.
Cũng theo ông Triển, có một bất cập hiện nay là trong khi nhiều loại hình cứu hộ được có nguồn đầu tư thì công tác cấp cứu nạn nhân TNGT hết sức nhân văn và cần thiết lại chưa được đầu tư đúng mức. Vì thế Bộ Y tế cần nghiên cứu để có cơ chế, tạo ra sự công bằng cho người cung cấp thực hiện dịch vụ và đảm bảo quyền lợi tối thiểu cho công dân.