Theo báo cáo, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết các địa phương đã kiện toàn toàn bộ các ban ATGT, trong đó 100% Chủ tịch UBND tỉnh là Trưởng ban, 56/63 Ban ATGT địa phương đã có quy chế hoạt động, 54 địa phương đã ban hành Quyết định thành lập Văn phòng Ban; các văn phòng Ban đều sử dụng con dấu riêng. Song, chỉ có 25 tỉnh, thành phố có số cán bộ, công chức đạt tối thiểu 5 người, tại nhiều địa phương, biên chế hành chính bố trí cán bộ chuyên trách không đáp ứng yêu cầu công việc.
Ban ATGT quận, huyện, thành phố hầu hết không có cán bộ chuyên trách vì không được phê duyệt định biên; đội ngũ này chưa được đào tạo, tập huấn về kiến thức chuyên môn, bộ phận giúp việc cho Ban ATGT cấp huyện không được thống nhất, có nơi do Công an phụ trách, có nơi lại do Phòng Kinh tế Hạ tầng hoặc Phòng Công thương phụ trách. Văn phòng Ban gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp giữa tỉnh, thành phố với các địa phương trên địa bàn trong công tác bảo đảm TTATGT; việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ chưa được bao quát, kịp thời; văn bản tham mưu ban hành nhiều nhưng nhiều khi nội dung chưa phù hợp, chưa sát tình hình thực tế.
Cũng theo báo cáo, Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT nhiều địa phương chưa được thực hiện thường xuyên, chưa thực sự có chiều sâu, chưa phù hợp các đối tượng đặc biệt đối với thanh niên, người dân ở vùng sâu, vùng xa. Đây là hạn chế tồn tại chung của các ngành, các cấp, đoàn thể, nhưng với vai trò tham mưu, tại nhiều địa phương, Văn phòng Ban chưa đề xuất được các biện pháp cụ thể, hữu hiệu để nâng cao hiệu quả công tác này.
Công tác tham mưu chưa đề cao vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp, biện pháp bảo đảm TTATGT. Vì vậy công tác này tại nhiều địa phương chưa được thực hiện thường xuyên và kịp thời. Hoặc, có được thực hiện nhưng mang tính hình thức.
Việc bảo đảm kinh phí cho công tác bảo đảm TTATGT nói chung cũng như Kinh phí cho hoạt động của Văn phòng Ban tại hầu hết các địa trong năm 2013 và đặc biệt 6 tháng đầu năm 2014 gặp rất nhiều khó khăn.
Số liệu TNGT do Phòng CSGT – Công an Tỉnh, thành phố báo cáo, cung cấp định kỳ, đột xuất theo quy định tại Thông tư 58 của Bộ Công an, nên mốc thời gian sơ kết, tổng kết chưa thống nhất giữa Công an và Ban ATGT. Việc thống kê, phân tích, lưu trữ dữ liệu chưa đầy đủ. Vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, theo dõi báo cáo và làm cơ sở phục vụ công tác tham mưu phục vụ các hoạt động bảo đảm TTATGT.
Tại Hội nghị, Chánh VP tỉnh Bắc Giang cho biết, Ban ATGT tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực kéo giảm TNGT bằng việc khắc phục điểm đen, phát quang tầm nhìn lắp thêm gờ giảm tốc, biển báo tại các tuyến giao thông nông thôn. Năm nay, Ban ATGT tỉnh tiếp tục ký cam với các huyện về kéo giảm thêm 5% số thiệt hại về TNGT trong đó có việc gắn chặt trách nhiệm của người đứng đầu, nếu vi phạm thì cá nhân người đứng đầu cũng như địa phương sẽ không xét các tiêu chí thi đua, khen thưởng.
Ông Quý cũng cho biết, ban ATGT tỉnh cũng đã được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã. Mỗi huyện, thành phố đều có một cán bộ chuyên trách về ATGT làm việc tại UBND huyện, thậm chí có huyện còn bố trí Phó chánh văn phòng huyện làm chuyên trách, với cấp xã, Trưởng công an xã làm thường trực nên công tác phối hợp, đôn đốc được kịp thời. Đồng thời, ông Quý cũng đề nghị cần có một mô hình chuẩn cho hoạt động các Ban và cán bộ trong văn phòng Ban phải là công chức.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó ban Chuyên trách Ban ATGT tỉnh Quảng Ninh phát biểu, Quảng Ninh là một trong 6 địa phương của cả nước có Ban ATGT chuyên trách. Bà Hiền cũng đồng tình với việc cần có sự chính danh về ban ATGT từ TW xuống địa phương, điều này tạo ra vị thế, sức nặng trong quá trình điều hành và phối hợp với các đơn vị khác nhằm triển khai công việc hiệu quả.
Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh An Giang Nguyễn Việt Cường nêu ra một số đề xuất do Ban chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh triển khai nhằm đạt mục tiêu đảm bảo ATGT. Tại An Giang, tỉnh giao Sở Y tế báo cáo về số người thiệt mạng do TNGT để có số liệu chính xác, kinh phí đảm bảo ATGT do Sở GTVT chủ động xây dựng trình UBNDA tỉnh... Tuy nhiên ông Cường cho rằng điều quan trọng nhất là các kế hoạch triển khai lớn đều phải do Trưởng ban ATGT tỉnh ký và Văn phòng Ban phải là cánh tay nối dài của Trưởng ban. Các Ban ATGT địa phương cần có mô hình thống nhất, biên chế đầy đủ, được công nhận từ Trung ương đến địa phương. Nên quy định Văn phòng Ban là cơ quan thường trực về ATGT, cán bộ văn phòng là công chức nhà nước.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia yêu cầu: Văn phòng Ban ATGT các tỉnh cần thực hiện tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh và lãnh đạo Ban ATGT tỉnh, thành phố triển khai kịp thời những chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia về hoạt động bảo đảm trật tự ATGT. Xây dựng chương trình phối hợp với các cơ quan thành viên, tổ chức đoàn thể theo chương trình phối hợp của Ủy ban ATGT Quốc gia. Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự ATGT trên các phương tiện thông tin truyền thông. Tích cực nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành về bảo đảm trật tự ATGT giữa các cơ quan thành viên, giữa tỉnh/thành phố và các quận/huyện, tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT ở các địa phương để gia tăng TNGT…