|
Đầu tư, nâng cao chất lượng hệ thống sơ, cấp cứu nạn nhân TNGT là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến từ nay đến năm 2020
nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về TNGT |
Vừa qua loạt bài về sự "vô cảm" trước nạn nhân TNGT trên Báo Giao thông đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Nhiều người gọi đó là sự nhẫn tâm nhưng không ít người cho rằng họ muốn giúp nhưng sợ “làm ơn mắc oán”. Là người làm chuyên trách về an toàn giao thông, ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?
|
Ông Khuất Việt Hùng - Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia |
Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi, xã hội thời nào cũng thế, cũng có một bộ phận nhỏ những người không quan tâm đến những người xung quanh. Nhưng tôi tin tưởng rằng, đa số người dân Việt Nam, đều sẵn sàng cứu giúp người bị nạn. Như tôi được biết, trong giai đoạn vừa qua, phần lớn các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, người dân xung quanh đều có hành động hỗ trợ, cứu giúp người bị nạn. Chỉ có một số vụ, chúng ta thấy có sự thờ ơ, bỏ mặc nạn nhân và có hành vi hôi của.
Sự “vô cảm” mà ai đó đã chỉ trích có khi do người dân không biết phải làm gì, cụ thể là không biết gọi cho ai, sơ cứu nạn nhân như thế nào, thông báo, kêu gọi sự trợ giúp từ những người đi đường ra sao. Nếu được trang bị đầy đủ những kỹ năng cần có, tôi tin bất kỳ ai cũng sẽ “xắn” tay vào cứu giúp người bị nạn ngay lập tức.
|
Người dân giờ đây không chỉ kịp thời cấp cứu nạn nhân, mà còn chủ động liên lạc cho cơ quan chức năng sớm đến hiện trường. Chính vì vậy, hiện nay mới có những ý kiến tranh luận nhau về việc có nên cứu giúp người bị TNGT hay không, bởi nhiều người e ngại gặp rắc rối với cơ quan công an, thậm chí là bị nghi ngờ là thủ phạm.
Theo dõi một số ý kiến trên báo và các diễn đàn xã hội và qua, tôi cho rằng, nếu chúng ta không có hướng giải quyết sẽ càng tạo nên tâm lý hoang mang, e ngại trong việc cứu giúp người gặp TNGT.
Vậy để bảo vệ những người cứu giúp nạn nhân TNGT tránh khỏi những rắc rối, ông có thể đưa ra những giải pháp nào nhằm nâng cao hiệu quả công tác cứu giúp, hỗ trợ người bị TNGT?
Ông Khuất Việt Hùng: Trước khi cơ quan chức năng có những giải pháp cụ thể, theo tôi, mỗi người chúng ta cần trang bị cho mình kỹ năng xử lý tình huống linh hoạt như khi xảy ra tai nạn, cần phải kịp thời gọi cấp cứu, thông báo đến cơ quan công an, thông tin tới đường dây nóng của một số báo đài để tìm sự trợ giúp sớm và tốt nhất.
Để tránh những rắc rối khi giải quyết thủ tục hỗ trợ cơ quan điều tra, người cứu giúp nên có đầy đủ giấy tờ tuỳ thân, chủ động cung cấp các thông tin để cơ quan chức năng xác định rõ, từ đó có bằng chứng bảo vệ người cứu giúp nạn nhân TNGT.
Về phía trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, Uỷ ban ATGT Quốc gia sẽ đề nghị với Bộ Y tế nghiên cứu ban hành những quy định pháp luật phổ biến tới các bệnh viện từ Trung ương tới địa phương, làm sao khi tiếp nhận nạn nhân của những vụ TNGT, cần được cấp cứu kịp thời mà chưa cần đặt vấn đề viện phí vội.
Ngành Y tế hoàn toàn có thể đưa ra quy định phải cấp cứu nạn nhân mà không cần bảo lãnh, không cần có người đến chi trả chi phí hay không. Thậm chí là phải xây dựng chế tài xử phạt các cơ sở y tế từ chối tiếp nhận, chữa trị nạn nhân TNGT chỉ vì lí do như không có thẻ bảo hiểm, không có người làm thủ tục vào viện, đặt cọc tiền…
Cần khẳng định rằng, quyền được sống của con người, sự sinh tồn của con người mới là quan trọng, mọi thủ tục giải quyết sau tai nạn chỉ là thứ yếu. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi tất cả mọi người dân hãy chung tay cứu giúp người bị nạn trên đường và cơ quan y tế tận tình cứu chữa, để không còn xảy ra những sự việc đau lòng từ hành vi “vô cảm” không đáng có kia.
Ông đánh giá thế nào về công tác cứu hộ sau TNGT hiện nay và chúng ta cần phải làm gì để đẩy mạnh công tác này?
Ông Khuất Việt Hùng: Công tác cứu hộ sau tai nạn là một trong năm trụ cột quan trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại sau tai nạn giao thông. Như chúng ta đã biết, trong công tác cứu hộ đặc biệt là cứu hộ những nạn nhân bị chấn thương nặng liên quan đến thần kinh, tủy sống… người ta đều có những "giờ vàng". Ở các nước phát triển, người ta tính không quá 30 phút. Ở Việt Nam, mặc dù các cơ quan y tế đang rất nỗ lực, có thể nói đến giờ phút này đã làm được nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được tối đa trong việc cấp cứu kịp thời nạn nhân TNGT, do đó nhiều người đã bị mất đi cơ hội sống hoặc lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, cũng vì chúng ta không kịp thời cứu hộ, cứu nạn.
Theo thống kê từ các vụ TNGT, nếu chúng ta kịp thời sơ, cấp cứu nạn nhân TNGT đúng cách, có thể giảm từ 20 đến 30% nguy cơ tử vong và đặc biệt giảm rất nhiều nguy cơ tàn phế, sống thực vật suốt đời của những nạn nhân gặp chấn thương về xương, cột sống.
|
Chúng ta phải xác định, công tác cứu hộ cứu nạn đầu tiên phải thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải có những cơ chế, hoạch định định đướng phát triển để có hệ thống cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp, dễ dàng và nhanh chóng tiếp cận được nạn nhân.
Các ban, ngành liên quan tới an toàn giao thông và y tế cần thiết phải tổ chức nhiều chương trình giảng dạy, tập huấn về kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho mọi người dân, bởi có rất nhiều người vì sơ cứu nạn nhân không đúng cách mà khiến họ mất mạng, sống đời thực vật suốt đời, ví dụ như có người bị liên quan đến tủy sống thì phải nằm im lên trên mặt cứng để cố định chờ cấp cứu tới, nhưng lại bế xốc họ lên xe máy chở tới bệnh viện, khiến nạn nhân bị liệt luôn.
Sắp tới, văn phòng UBATGTQG cũng sẽ phối hợp với diễn đàn Otofun tổ chức các khoá tập huấn Sơ cứu TNGT.
Hiện nay, để giảm thiểu thiệt hại do TNGT, Bộ Y tế cũng đang triển khai đề án về phát triển hệ thống trạm cứu hộ cứu nạn trên mạng lưới đường cao tốc, Quốc lộ, đầu tư các trung tâm cứu hộ, cứu nạn gắn với những bệnh viện đa khoa cấp huyện, cấp tỉnh để nâng cao năng lực sơ cấp cứu nạn nhân TNGT tại Việt Nam.
Xin cảm ơn ông!