Huy động tổng lực
17h30 ngày 13/11, xe cộ đổ về nút giao Trần Phú - Lê Duẩn - cầu Sông Hàn ngày một đông, ôtô và xe máy nêm chặt nhau. Ba chiến sỹ CSGT tập trung điều khiển hướng dẫn lưu thông. Đây từng là nút giao tắc nghẽn cục bộ vào các giờ cao điểm. Tuy nhiên, khác với cảnh ùn ứ trước đây, giao lộ này giờ thông thoáng đáng kể.
Cách đó 2 km, nút giao giữa đường Bạch Đằng - cầu Rồng - Nguyễn Văn Linh vốn là điểm “nóng” ùn tắc giờ cao điểm đã có nhiều thay đổi. Hai nhóm CSGT túc trực tại nút giao này, một nhóm điều tiết các dòng xe lên - xuống cầu Rồng, rẽ qua đường Bạch Đằng; Nhóm khác chốt cách đó 50 m, tại ngã tư Nguyễn Văn Linh - Trần Phú, phân luồng, giãn xe trước khi đổ về cầu Rồng.
Ngày 6/11, tại Hội nghị đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, Bí thư Nguyễn Xuân Anh đã yêu cầu triển khai ngay giải pháp giảm ùn tắc giao thông. “Phòng CSGT cần “tung” hết lực lượng ra đường, chỉ trừ bộ phận hành chính và trực ban. CSGT phải liên tục tuần tra, có mặt tại tất cả các điểm “nóng” ùn tắc”, ông Anh nhấn mạnh.
Từ chiều 7/11, Phòng CSGT đã huy động toàn lực lượng xuống đường. Ngoài chốt trực tại 12 điểm “nóng” ùn tắc, số còn lại thay phiên tuần tra dọc các tuyến đường trọng điểm, có nhiều ô tô đậu đỗ như Yên Bái, Lê Duẩn, Phan Chu Trinh... và các tuyến đường du lịch ven biển, phát hiện và kiên quyết xử phạt tình trạng đi ngược chiều, không đội MBH, đậu đỗ xe không đúng nơi quy định...
Xử lý “tận gốc”
Đại tá Lê Ngọc, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng cho biết, sau khi tiếp nhận chỉ đạo của tân Bí thư, đơn vị đã yêu cầu tất cả các chiến sỹ, kể cả chi đoàn thanh niên, chi hội phụ nữ... xuống đường tham gia điều tiết giao thông nên đã mang lại kết quả khá tích cực. “Những năm qua, hạ tầng giao thông Đà Nẵng tiếp tục được cải thiện, thông thoáng. Tuy nhiên, mật độ phương tiện, khách du lịch tăng dẫn đến nguy cơ ùn tắc. Tuy nhiên, sự có mặt của các cơ quan chức năng trên đường đã góp phần ngăn ngừa, xử lý ùn tắc và nâng cao ý thức người dân”, ông Ngọc nhìn nhận.
Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nêu rõ, nếu ba tháng không có chuyển biến, sẽ đề nghị Công an TP điều chuyển Trưởng phòng CSGT. 6 tháng không có chuyển biến thì điều chuyển, bố trí Phó GĐ Công an khác phụ trách mảng giao thông. Một năm không có chuyển biến, Thường trực Thành ủy sẽ làm việc với Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương về vai trò, trách nhiệm của Công an TP.
|
Theo ông Ngọc, giải pháp huy động mọi lực lượng xuống đường mới chỉ là “phần ngọn”, muốn chấm dứt ùn tắc lâu dài trên địa bàn, cần tính đến các giải pháp căn cơ, phải trị từ “gốc rễ” vấn đề. Bởi, Đà Nẵng hiện có 700 nghìn xe máy, 42 nghìn xe ô tô cá nhân, chưa kể lượng xe du lịch, xe của 7 hãng taxi hoạt động trên địa bàn... Vào giờ cao điểm, hầu như tất cả phương tiện đều dồn hết lại hai đầu cầu Sông Hàn và cầu Rồng, gây ùn ứ nghiêm trọng. Thành phố chỉ có hai nút giao khác mức (cầu vượt Ngã Ba Huế, cầu vượt Hòa Cầm) nên chưa thể khắc phục hiệu quả các điểm xung đột giao thông.
“Điều quan trọng là phải xây dựng được nhiều nút giao thông khác mức. Cùng với đó là nâng cao công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tham gia giao thông của người dân. Làm sao để khi không có CSGT, người dân vẫn chấp hành tốt luật giao thông. Đó mới là “gốc vấn đề”, ông Ngọc lý giải và cho biết thêm, trung bình mỗi năm CSGT Đà Nẵng xử phạt 4 nghìn trường hợp vượt đèn đỏ, khoảng 2 nghìn trường hợp đi ngược chiều. Điều này chứng tỏ ý thức người dân vẫn chưa cao.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT Đà Nẵng cho rằng, đầu tiên là phải giải quyết được chỗ đậu xe cho nhân dân và du khách, hiện mới chỉ có một bãi trên đường Trần Phú.
“Thời gian tới, Đà Nẵng phải tìm được giải pháp cho đậu đỗ xe, đậu trên cao hay đậu ngầm dưới đất cũng phải nghiên cứu cho được. Công tác tuyên truyền cũng cần đặc biệt chú trọng để xây dựng được văn hóa giao thông cho người Đà Nẵng”, ông Cường cho biết.