Bắt đầu từ ngày 06/01/2016, Thông tư 57 của Bộ Công an hướng dẫn về danh mục, định mức trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm: Ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc chở khách được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vận chuyển chất, hàng nguy hiểm về cháy, nổ; nguyên tắc, kiểm định, kinh phí bảo đảm trang bị và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có hiệu lực.
Trên thực tế, trong thời gian qua, có rất nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan do chủ phương tiên giao thông cơ giới đường bộ chưa chú trọng, quan tâm đến việc trang bị phương tiện phòng cháy và chữa cháy khi gặp sự cố.
Để Thông tư 57 của Bộ Công an đi vào vào cuộc sống và nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với việc tự đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của mình khi tham gia giao thông, ngay trong ngày đầu tiên khi Thông tư 57 của Bộ Công an có hiệu lực, Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp cùng Cục CSGT kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện, lái xe trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.
Theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó cục trưởng Cục cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an) hầu hết các chủ xe du lịch dưới 09 chỗ ngồi chưa biết hoặc chưa trang bị bình chữa cháy và các phương tiện phòng cháy, chữa cháy khác; nhiều phương tiện đã có bình chữa cháy nhưng nơi đặt vị trí và cách sử dụng các thiết bị này gây ít nhiều khó khăn cho lái xe.
Để tự bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của mình, Đại tá Đoàn Hữu Thắng nhấn mạnh việc bố trí các bình chữa cháy trên xe phải đảm bảo để ở nơi dễ thấy, dễ lấy. Cụ thể, đặt gần vị trí của người lái xe và không ảnh hướng tới thao tác lái xe, các bình chữa cháy là các bình xách tay rất gọn nhẹ nên có thể để ở vị trí hốc cánh cửa xe, dưới gầm ghế hoặc đằng sau ghế, chú ý là không để bình chữa cháy trong cốp xe, dưới gầm xe…
Cũng theo Đại tá Đoàn Hữu Thắng, việc không trang bị phương tiện PCCC đối với ô tô từ 4 chỗ ngồi trở lên theo quy định của thông tư này bị xử lý hành chính theo quy định của Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể: Bị phạt tiền từ 300.000 đến 500.000 đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng cho phương tiện giao thông cơ giới từ 04 chỗ ngồi trở lên. Bị phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị phương tiện chữa cháy thông dụng đối với phương tiện giao thông cơ giới vận chuyển chất, hàng nguy hiểm cháy nổ theo quy định”
Thẩm quyền xử phạt sẽ thuộc về lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát PCCC và chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, phường.
Cục Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ phối hợp cùng Cục CSGT
kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các chủ phương tiện, lái xe
trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ về Thông tư 57 của Bộ Công an.