Chạy đàng hoàng thì “chết”
Nhiều tài xế xe buýt bộc bạch, nếu anh nào chạy đúng lịch trình, thời gian biểu quy định, không bỏ phiên, bỏ chuyến, không phóng nhanh - tấp ẩu để đón khách… thì “chết” đói. “Mình mà tuân thủ theo quy định, mấy ông tài xế của tuyến xe buýt khác sẽ “lượm” hết khách. Khi ấy, chúng tôi lấy đâu ra tiền để trả cho ông chủ đã khoán xe; rồi chi phí cho nhân viên, nhiên liệu nữa” - bác tài tên H. nói. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh xác nhận, cùng một tuyến xe buýt có nhiều đơn vị tham gia khai thác, ai cũng muốn thu lợi nhuận tối đa. Vì thế, tài xế điều khiển chạy chầm chậm khu vực nội thị chờ khách; ra ngoại thành lập tức phóng nhanh cho kịp thời gian quy định. Trên hành trình này, họ nhìn thấy ai đứng chờ thì ngay lập tức tấp vào, thậm chí đứng giữa đường đón người, bất chấp sự an toàn tính mạng của bạn đồng hành. Nếu không, các xe buýt khác từ phía sau sẽ vượt qua giành khách. Chưa kể, nhiều xe buýt chạy không đóng cửa; nhân viên phục vụ thu cước sai giá niêm yết, cư xử không lịch sự. Những giờ thấp điểm của ngày và trong tuần, không ít nhà xe sẵn sàng bỏ phiên, bỏ chuyến.
|
Tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng cần phải sớm được chấn chỉnh. Ảnh: C.TÚ |
Thống kê cho thấy, trên địa bàn Quảng Nam hiện có 11 đơn vị đang khai thác xe buýt. Trong đó, không ít người cố tình vi phạm quy định liên quan dẫn đến tình trạng tranh giành khách, bỏ qua xây dựng thương hiệu văn minh. Cơ quan chức năng chưa thường xuyên kiểm tra và xử lý kiên quyết khiến cho nhà xe “nhờn luật”. Ngược lại, các đơn vị kinh doanh vận tải công cộng không theo dõi xuyên suốt và tăng cường xử lý nội bộ. Còn theo ông Nguyễn Đức Hạnh - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam, phần lớn xe buýt đang hoạt động tại Quảng Nam là do cá nhân mua rồi “góp” vào các đơn vị vận tải để chạy. Cho nên, các chủ xe cạnh tranh nhau để giành khách (kể cả trong cùng một đơn vị). Người đứng đầu doanh nghiệp do không đầu tư phương tiện nên khó quản lý, không điều hành hoạt động mà khoán gọn cho các chủ xe. Theo đó, họ tùy tiện tuyển tài xế, nhân viên nằm ngoài tiêu chuẩn, rồi không ký hợp đồng lao động khiến đội ngũ này thiếu ổn định…
Phải sớm chấn chỉnh
Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Quảng Nam tiếp nhận lại toàn bộ tuyến xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Hiệp Đức; một phần xe buýt trên các tuyến Tam Kỳ - Đại Lộc, Quế Sơn - Đà Nẵng và Tam Kỳ - Đà Nẵng gần một năm nay. Sau khi nỗ lực chấn chỉnh, hoạt động của xe do đơn vị quản lý đã có chuyển biến tích cực. Đặc biệt, xe buýt Tam Kỳ - Hiệp Đức chấm dứt hẳn chuyện giao khoán trắng cho lái xe và nhân viên phục vụ; họ đều được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn. Nhưng ông Nguyễn Đức Hạnh thừa nhận, các tuyến “chung chạ” khác vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề nêu trên. Ông Hạnh cho rằng, cần thiết phải thành lập ngay một trung tâm điều độ để điều hành tất cả hoạt động vận tải hành khách (xe buýt, xe tuyến cố định và xe chạy hợp đồng) trên địa bàn Quảng Nam. Trung tâm này cần xem xét xây dựng phần mềm kiểm soát, xử lý việc dừng đỗ không đúng nơi quy định. “Khâu xử lý xe vi phạm dừng đỗ phải thực hiện đồng bộ đối với các hình thức vận tải hành khách nói chung, chứ không thể xử lý riêng xe buýt còn xe cố định, xe hợp đồng lại cho qua” - ông Hạnh nói. Một bác tài thì bày tỏ, quy định thời gian đóng mở tuyến trong ngày đối với xe buýt không dưới 12 tiếng đồng hồ và tần suất chạy xe không quá 60 phút/chuyến mà Bộ Giao thông vận tải quy định là chưa hợp lý. Bởi buổi trưa hoặc chiều tối (sau 17 giờ) không có khách nhưng vẫn cho xe chạy thì quá lãng phí; đó là lý do căn bản bác tài thường bỏ phiên, bỏ chuyến.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh cho hay, ngành đã tham mưu UBND tỉnh có kiến nghị Bộ GTVT về vấn đề liên quan đến thời gian đóng, mở tuyến. Bộ GTVT hiện đồng ý và đang tham mưu Chính phủ sửa đổi quy định theo hướng giao cho tỉnh chọn thời gian tần suất xe chạy (nốt tài) cho hợp lý với địa bàn. Cạnh đó, Sở GTVT đang triển khai làm việc với các đơn vị vận tải xe buýt xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng dịch vụ và phải ký văn bản tuân thủ những gì đã cam kết. Ngoài ra, UBND tỉnh hiện đồng ý về mặt chủ trương trợ giá một phần một số tuyến xe buýt phục vụ người dân địa bàn miền núi. Ngành đang khảo sát, nghiên cứu để tham mưu danh sách cho lãnh đạo phê duyệt.
Cũng theo ông Lê Văn Sinh, trong nỗ lực chấn chỉnh hoạt động xe buýt công cộng, năm 2015, Sở GTVT Quảng Nam và Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã phối hợp, nâng tuyến xe buýt 2 chiều Hội An - Đà Nẵng thành tuyến xe buýt mẫu. Qua kiểm tra, tuyến này hiện thực hóa đạt khoảng gần 80% tiêu chí được quy định. Ngành của 2 địa phương còn yêu cầu xe buýt 2 chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng triển khai lắp đặt máy điều hòa nhiệt độ và cam kết phục vụ chu đáo. Tuy nhiên, ý thức và hành động của nhà xe có sự chuyển biến song chưa nhiều. Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 26-KL/TUQN-TUĐN ngày 27.4.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, Sở GTVT 2 địa phương đang tích cực phối hợp nghiên cứu, sớm tham mưu hình thành tuyến xe buýt công cộng BRT (xe buýt nhanh) Hội An - Đà Nẵng, Tam Kỳ - Đà Nẵng. “Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động xe buýt đúng theo loại hình vận tải công cộng văn minh. Trước mắt, Sở GTVT đã chỉ đạo đoàn liên ngành tiếp tục đi kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm” - ông Sinh khẳng định.