|
Một xe công nông chở nặng lại vào đoạn đường xấu bị “chổng vó” lên trời |
Loại bỏ trên 154.000 xe tự chế
Việc đình chỉ tham gia giao thông đối với các loại xe không đảm bảo điều kiện an toàn gồm: Xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ 3- 4 bánh từ 1/1/2008 đến nay được Bộ GTVT đánh giá là đã góp phần bảo đảm trật tự ATGT, giảm thiểu TNGT đường bộ.
"Xe vận tải nhẹ thay thế xe công nông phải đảm bảo an toàn, đảm bảo môi trường, giá thành hợp lý và phục vụ được người lao động giúp loại bỏ xe công nông, xe lam, xe 3-4 bánh tự chế theo yêu cầu của Chính phủ. Khi có chủ trương rồi Bộ GTVT sẽ hoàn thiện các văn bản pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, cùng với các bộ, ngành, các địa phương hướng dẫn triển khai thực hiện”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ
|
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ GTVT với Thủ tướng Chính phủ, trong 3 năm 2008, 2009 và 2010, khoản tiền 866.709 triệu đồng đã được Bộ Tài chính hỗ trợ cho các chủ phương tiện để dừng hoạt động 154.220 phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.
Trong đó, có hơn 6.000/15.000 xe công nông và xe tải quá niên hạn tại 20 tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên và miền núi phía Bắc đã được hỗ trợ từ 5-9 triệu đồng/hộ/xe để mua xe tải mới. Và tại 54 tỉnh, thành có gần 18.000 xe tải mua mới và gần 130.300 chủ xe 3 - 4 bánh được hỗ trợ chuyển đổi nghề.
Chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân có phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông đã tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, giúp chủ sở hữu phương tiện bảo đảm chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Loại xe máy kéo nhỏ (xe lái bằng càng) có tính năng đa dụng: Chuyên chở nông sản, làm đất, bơm nước, phát điện... được Chính phủ giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư quy định phạm vi và thời gian hoạt động trong nội bộ đường nông thôn, vừa đảm bảo TTATGT, vừa tạo điều kiện để người dân thuận lợi trong hoạt động sản xuất tại địa phương.
|
Xe công nông “ăn” hàng trên QL 21B dù bị cấm |
Vẫn thiếu phương tiện thay thế phù hợp
Chị Nguyễn Thị Tân ở Quốc Oai, Hà Nội cho biết: Ngày trước, trong xã nhiều hộ có tới 2 xe công nông, xe cũ mua với giá chỉ trên dưới ba chục triệu đồng. Các xe này hàng ngày đi chở vật liệu, đổ phế thải thuê cho mấy quận nội thành. Có nhà cả 4-5 miệng ăn trông vào chiếc xe. Gần đây thành phố làm gắt nên đa số đã bỏ nghề.
Theo chị Tân, có vài nhà khá giả đã chuyển qua mua xe tải nhỏ chở hàng thuê. Tuy nhiên, xe loại này vừa nhiều tiền đầu tư vừa kén hàng, không chở được vật liệu nặng và phế thải xây dựng như xe công nông nên chưa hấp dẫn người có nhu cầu thay thế.
Anh Nguyễn Văn Ngọc ở Hà Đông lại rất băn khoăn về loại xe động cơ 4 bánh Exotic của Công ty T&T Motor: Tôi thấy nó không khác gì cái xe lam đã bị nhà nước cấm. Tuy giá thành vừa túi tiền - khoảng 60 triệu đồng nhưng theo công bố, máy chỉ 300cc, sức chở chỉ được khoảng 500kg...
Tại các địa phương, các Sở GTVT cũng báo cáo rằng việc loại bỏ xe công nông gặp khó khăn, do xe thay thế không có. Theo Sở GTVT Bến Tre: “Phương tiện thay thế xe công nông, xe tự chế 3-4 bánh chưa có. Chỉ có phương tiện xe thí điểm 4 bánh nhưng hoạt động không hiệu quả, không phù hợp với đường GTNT; Xe mô tô 3 bánh nhập khẩu từ Trung Quốc giá thành quá cao”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: Giá xe thay thế đương nhiên cũng cần phù hợp với khả năng của chủ xe tự chế chủ yếu là lao động nghèo. Thế nhưng, người dân cũng quan tâm là tính năng xe thay thế có phù hợp với thực tiễn vận tải. Hiện nay xe tải nhỏ chỉ phù hợp hoạt động được ở địa bàn đường bằng phẳng và tải thấp, còn với địa hình đồi dốc như miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên thì chưa phù hợp.
Theo Bộ GTVT, ngoài phương tiện là xe tải nhẹ được dùng để chuyển đổi đối với xe bị đình chỉ tham gia giao thông (do Công ty cổ phần ô tô TMT cung cấp) là tương đối phù hợp, còn lại chưa có loại phương tiện thực sự hợp lý để người dân thay thế xe lôi, xe ba bánh, đặc biệt là đối với người dân của các tỉnh phía Nam.
Cũng theo Bộ GTVT, đây là thực tế và là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc người dân một số địa phương vẫn còn sử dụng xe bị đình chỉ tham gia giao thông tại Hà Nội, Hòa Bình, Gia Lai, Kon Tum, Hậu Giang, Long An...
Còn gần 10.000xe công nông, xe tự chếchưa được thay thế
Theo báo cáocủa Cục Đăng kiểm VN , vào thời điểm năm 2008 cả nước có tới 15.777 xe công nông, xe tự chế cần phải loại bỏ. Tuy nhiên, việc hỗ trợ thay thế từ năm 2008 đến năm 2010 chỉ được thực hiện cho 6.017 xe, như vậy còn tồn tại trên 9.760 xe chưa được hỗ trợ thay thế, chưa kể số lượng xe tự chế phát sinh trong thời gian từ 2008 đến nay.
Loại xe nào bị cấm?
Theo Vụ Quản lý Phương tiện & người lái - Tổng cục Đường bộ VN, các xe công nông (xe đầu ngang, xe độ chế); xe cơ giới ba bánh, xe cơ giới hai bánh kéo theo thùng để chở người, hàng hóa (xe lôi máy) không có đăng ký và biển số theo quy định bị đình chỉ tham gia giao thông.
Xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp có tính năng đa dụng như làm đất, bơm nước, phát điện, vận chuyển đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật, đăng ký, cấp biển sẽ được UBND các tỉnh quy định cụ thể tuyến đường, thời gian bị hạn chế lưu thông.
Tuy nhiên, do chưa hiểu rõ việc xác định loại phương tiện bị đình chỉ tham gia giao thông, nên một số địa phương đã quy định cấm cả loại xe này tham gia giao thông đường bộ, làm ảnh hưởng đến việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp của nhân dân khu vực nông thôn và miền núi.
|