Đây là năm thứ 5 liên tiếp, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổ chức “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông” trong đó có Đại lễ cầu siêu nạn nhân tai nạn giao thông vào ngày 13/11 sẽ có khoảng 10.000 tăng ni, phật tử và người dân tham dự nhằm chia sẻ những mất mát, nỗi đau tai nạn giao
Tại buổi họp báo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết, mỗi ngày, tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng 24 người và làm cho 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, mang lại sự đau đớn tột cùng cho gia đình. Thiệt hại to lớn về nhân mạng là không gì bù đắp được, di chứng thương đau của tai nạn giao thông là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức mỗi người thân, bạn bè những người bị nạn.
“Hoạt động tưởng niệm các nạn nhân mà Việt Nam cùng thế giới tổ chức là dịp để chúng ta tưởng nhớ và thương cảm với những người không may qua đời khi tham gia giao thông. Đây cũng là cơ hội để mỗi người nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bề về sự chấp hành Luật giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần giáo dục con em mình khi còn bé về ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông, góp phần tạo ra môi trường giao thông an toàn cho bản thân và cộng đồng”, ông Hùng chia sẻ.
Thượng tọa Thích Thanh Vân, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hàng năm vào dịp tưởng niệm nạn nhân mất vì tai nạn giao thông kết hợp với Ủy ban An toàn giao thông. Năm nay sẽ tổ chức tại đền Trình, Yên Tử (Quảng Ninh). Cụ thể, chương trình cầu siêu, tưởng niệm nhằm động viên, chia sẻ mất mát người thân mất vì tai nạn giao thông và trong các chương trình nghị sự và hoạt động của Giáo hội Phật giáo cũng thường xuyên đề cao vấn đề an toàn giao thông tại các chùa địa phương thuyết giảng phật tử chấp hành pháp luật giao thông và phòng tránh nhằm giảm thiểu tai nạn thương tích, không uống bia rượu khi tham gia giao thông…
Thượng tọa Thích Đạo Hiền, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh cho biết, công tác chuẩn bị đại lễ cầu siêu được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh đang được gấp rút tiến hành. Dự kiến, năm nay có khoảng 10.000 tăng ni, phật tử và người dân tham dự lễ cầu siêu cho các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông.
Đề cập đến mục tiêu giảm 5% tai nạn giao thông được Chính phủ đặt ra, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thừa nhận, chín tháng vừa qua, số vụ tai nạn giao thông giảm 7%, số người chết giảm khoảng 10%, con số này còn xa so với mục tiêu giảm số người chết từ 5% trở xuống.
“Từ nay đến cuối năm vẫn giữ mục tiêu giảm số người chết, số vụ, số người bị thường, nếu càng giảm nhiều càng tốt. Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có những trao đổi, phân tích đánh giá phê bình từng cơ quan đơn vị mà không thực hiện mục tiêu. Còn một ngày vẫn phải cố gắng nỗ lực hết sức và mọi kết quả đạt được mục tiêu chưa đạt được phải phân tích mổ xẻ, tìm ra nguyên nhân, trách nhiệm không chỉ đơn thuần kỷ luật mà đôn đốc nhắc nhở các đơn vị, địa phươn chưa đạt mục tiêu đề ra,” ông Hùng nói.
Với thông điệp “Tưởng nhớ người đi-Vì người ở lại” và “Tính mạng con người là trên hết”, chương trình hưởng ứng ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong, Ủy ban An toàn giao thông Ban An toàn giao thông các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông tại các địa phương trên cả nước (từ 01-10/11); đọc, phát thông điệp về an toàn giao thông tuần từ 14-18/11 tại các trường học phổ thông, các trường Đại học, cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên phạm vi toàn quốc.
Đại lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông vào ngày 13/11 tại đền Trình, Yên Tử (Quảng Ninh); lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông được tổ chức vào 20 giờ ngày 18/11.
|