Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Quang Nghĩa; Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ban ngành là ủy viên Ủy ban ATGT Quốc gia; đại diện Ban ATGT các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu truyền hình trực tuyến tại các địa phương cùng tham dự Hội nghị.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận, trong năm 2016, công tác đảm bảo TTATGT đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn hệ thống chính trị đã tiếp tục nỗ lực kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Trong đó, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác đảm bảo TTATGT và có những kết quả đáng khen ngợi.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đánh giá về thực trạng TTATGT trong năm qua: “Dù đã rất nỗ lực nhưng TNGT vẫn diễn biến rất phức tạp và đặt ra nhiều thách thức cho các cơ quan chức năng, trong đó vẫn còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại to lớn về con người và tài sản cũng như phá hỏng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Trong đó, vẫn còn xảy ra sự cố vụ uy hiếp an ninh, an toàn hàng không, đặc biệt là TNGT đường sắt và đường thủy tăng cao về số vụ và người chết. Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh ngày càng trở nên phức tạp và trầm trọng hơn”.
Các đại biểu dự Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2016
và triển khai nhiệm vụ 2017 sáng nay (4/1/2017)
Chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT QG Trương Hòa Bình yêu cầu Ủy ban ATGT QG, các địa phương trên cả nước thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó có việc tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông; gắn kết quả công tác bảo đảm TTATGT với trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương, đơn vị; tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về TTATGT.
Tây Ninh là một trong các địa phương có kết quả kéo giảm TNGT tốt trong năm 2016
Bên cạnh đó phải tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý triệt để các điểm đen về ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường sắt, đường thuỷ. Tiếp đó tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu vận tải nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và giảm giá cước vận tải đường thuỷ, đường sắt, hàng hải, hàng không để giảm áp lực cho đường bộ; nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách; tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm, minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc… Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hoá giao thông tới mọi người dân.
Nhiệm vụ thứ bảy là phải tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, để bảo đảm cho nhân dân đi lại an toàn, thuận tiện trong dịp tết Đinh Dậu, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 2239/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội xuân năm 2017, đặc biệt là bảo đảm chất lượng dịch vụ vận tải khách; điều tiết, chống ùn tắc giao thông và kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vị phạm trật tự an toàn giao thông…
Cũng tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, đại diện Ban ATGT các tỉnh, thành phố giảm trên 10% số người chết do TNGT như Tây Ninh, An Giang, Yên Bái, Đắk Nông, Trà Vinh…; các địa phương tăng TNGT như Hải Dương, Hà Giang; TP.Hồ Chí Minh… đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ cũng như đưa ra các đề xuất, kiến nghị cũng như những khó khăn, vướng mắc tại địa phương để giúp nâng cao hơn nữa hiệu quả đảm bảo TTATGT. Trong đó, những đề xuất nổi bật như tăng cường xử lý vi phạm, đồng thời kiến nghị Chính phủ giải quyết những tồn tại bất cập đang diễn ra như kinh phí phục vụ nhiệm vụ; nâng cấp các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn; đường ngang qua đường sắt với các nút giao dân sinh…
Đại diện Ban ATGT Hải Dương đề nghị được hỗ trợ giải quyết
các vấn đề bất cập khiến TNGT tại địa phương tăng cao trong năm 2016
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT QG, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, ý kiến của đại diện các địa phương đưa ra tại Hội nghị đều là những ý kiến xác đáng. Trong thực tế, nhiều địa phương đã phân cấp trách nhiệm rõ ràng, tuyên truyền giáo dục với các tổ chức, lực lượng, đưa hoạt động tuyên truyền rộng rãi, tạo thành phong trào tốt về thực hiện luật lệ và đặc biệt là xây dựng Văn hóa giao thông; nhiều địa phương duy trì rất tốt giờ cao điểm, kỷ luật rất cao trong việc không uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa.
Cũng theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, sự quan tâm về vật chất, chủ trương đầu tư cho hạ tầng, kết cấu giao thông tại hầu hết các địa phương đã được tăng cường. Trong đó, nhiều địa phương đã vươn lên khó khăn tài chính để thực hiện nhiệm vụ, tổ chức tốt công tác đảm bảo TTATGT có hiệu quả thiết thực, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cũng cho biết thêm, mặc dù 2 Thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chưa đạt được kết quả như mong muốn nhưng 2 thành phố này trong thời gian qua đã có rất nhiều biện pháp kéo giảm TTATGT. Thời gian tới đề nghị Hà Nội và TP.HCM tiếp tục phân luồng giao thông; tăng cường giao thông công cộng như duy trì tốt, hiệu quả tuyến xe buýt nhanh (Hà Nội); đẩy mạnh tuyên truyền tốt hơn nữa nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch giao thông tĩnh của 2 Thành phố này.
Cũng tại Hội nghị, ghi nhận những ý kiến của đại diện các tỉnh, thành, địa phương, các bộ, ban ngành trong cả nước, thay mặt Lãnh đạo Bộ quản lý Ngành, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, các ý kiến này tập trung vào 3 nhóm vấn đề, trong đó tập trung nhiều vào nhiệm vụ đảm bảo TTATGT đường bộ như đầu tư QL, tỉnh lộ, GTNT; hệ thống cọc tiêu biển báo, chỉ dẫn, sơn kẻ đường, duy tu, nâng cấp, điểm đen…
Thứ trưởng Lê Đình Thọ tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương
nhằm làm tốt hơn nữa công tác đảm bảo TTATGT trong năm 2017
“Đây là kế hoạch thường xuyên và liên tục của Bộ GTVT. Tuy nhiên, Bộ sẽ chỉ đạo Tổng cục ĐBVN phối hợp tốt hơn nữa với các địa phương đưa vào kế hoạch 2017, đặc biệt ưu tiên nhiệm vụ xóa điểm đen; hoàn thiện hệ thống báo hiệu ATGT trên mọi tuyến đường; ưu tiên đặc biệt cho miền Trung vừa gặp bão lũ”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho biết, trong năm 2016, Bộ GTVT đã tham mưu cho Chính phủ ban hành 14 Nghị định, QĐ, 50 Thông tư liên quan đến phát triển ngành GTVT và ATGT.
“Trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, Bộ GTVT luôn luôn xây dựng, cập nhật tình hình mới để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn phát sinh, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng cho biết Bộ GTVT cũng đang nghiên cứu kiện toàn bộ máy thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TT ATGT theo phương châm tinh gọn, giảm biên chế nhưng phải đạt hiệu quả, đảm bảo hoạt động tốt hơn; công tác kiểm soát tải trọng, đào tạo quản lý phương tiện người lái, đăng kiểm… vẫn đang được duy trì kiểm soát chặt chẽ.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng đề nghị Ban ATGT các địa phương trên toàn quốc tham mưu cho cấp ủy Đảng nên có Nghị quyết theo chuyên đề về đảm bảo TTATGT ngay từ đầu năm để kéo cả hệ thống chính trị vào cuộc; Uỷ ban ATGT cần phát động đồng thời giao địa phương tổ chức đợt cao điểm giải toả hành lang ATGT đường bộ; đường thuỷ nội địa; đường sắt.
“Để công tác đảm bảo TTATGT hiệu quả hơn, 63 tỉnh thành đều có nhiều mô hình hay, cách làm tốt, Văn phòng Uỷ ban ATGT QG nên tổng hợp từ cách tổ chức, phương thức hoạt động… gửi cho các địa phương học hỏi, áp dụng vừa mang lại hiệu quả vừa giảm thời gian, kinh phí hội họp”, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị.
Trước đó, báo cáo tại Hội nghị Tổng kết công tác đảm bảo TTATGT năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT QG Khuất Việt Hùng cho biết, Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2016 (tính từ ngày 16/12/2015 đến 15/12/2016) toàn quốc đã xảy ra 21.589 vụ, làm chết 8.685 người, làm bị thương 19.280 người; so với cùng kỳ năm 2015 giảm 1.261 vụ (-5,52%), giảm 43 người chết (-0,49%), giảm 1.792 người bị thương (-8,5%).
|
Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT QG Khuất Việt Hùng báo cáo kết quả
công tác đảm bảo TTATGT năm 2016 cũng như phương hướng năm 2017 |
Trong đó, đường bộ xảy ra 21.094 vụ, làm chết 8.417 người, bị thương 19.035 người. So với cùng kỳ năm 2015, giảm 1.378 vụ (-6.13%), giảm 25 người chết (-0.30%), giảm 1.935 người bị thương (-9.23%). Đường sắt xảy ra 360 vụ, làm chết 191 người, bị thương 229 người. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 99 vụ (+37.93%), giảm 23 người chết (-10.75%), tăng 143 người bị thương (+166.28%). Đường thuỷ nội địa xảy ra 114 vụ, làm chết 72 người, bị thương 16 người. So với cùng kỳ năm 2015, tăng 20 vụ (+21.28%), tăng 01 người chết (+1.41%), tăng 03 người bị thương (+23.08%). Hàng hải: xảy ra 21 vụ tai nạn, làm 05 người chết, không có người bị thương, so với cùng kỳ 2015, giảm 02 vụ (-8.70%), tăng 04người chết (+400%), giảm 03 người bị thương (-100%).