Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GD&ĐT họp báo cuộc thi
Giao thông học đường năm 2017-2018
Chiều 15/12, Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo cuộc thi Giao thông học đường năm 2017-2018. Cuộc thi được triển khai trên phạm vi toàn quốc từ ngày 12/12/2017 – tháng 5/2018 với vòng thi. Cụ thể vòng thi cấp trường từ 12-12/2017 đến 8/3/2018; cấp tỉnh/thành phố từ 2/4/ đến 15/4/2018. Và vòng thi chung kết toàn quốc vào tháng 5/2018. Cuộc thi được tổ chức dưới hình thức trắc nghiệm và đối tường tham gia là học sinh khối THCS và THPT.
Cuộc thi góp phần giáo dục kiến thức, kỹ năng, văn hóa ứng xử cho học sinh khi tham gia giao thông, giúp các em tiếp cận với các kiến thức ATGT một cách gần gũi, tự nhiện theo một cách thức tuyên truyền mới, nhẹ nhàng và hấp dẫn; đồng thời tạo điều kiện để các em học sinh tiếp cận bộ đề thi lý thuyết GPLX môtô hàng A1.
Các nội dung câu hỏi, tình huống trong đề thi được mô tả sinh động, bám sát với đời sống, trở thành những hướng dẫn, bài học bổ ích, giúp các em nhận biết các tình huống giao thông nguy hiểm, có các kỹ năng phòng tránh TNGT và có văn hóa giao thông văn minh.
Theo đó thí sinh tạo tài khoản và dự thi online trên website http://giaothonghocduong.com.vn. Mỗi thí sinh chỉ tạo một tài khoản dự thi duy nhất.
Sau 6 tuần thi, mỗi trường sẽ chọn 1 thí sinh có điểm cao nhất trong 6 tuần để tham gia vòng thi cấp tỉnh/thành phố. Trong trường hợp thí sinh có điểm thi bằng nhau sẽ xét tiêu chí thời gian hoàn thành bài thi. Kết quả được công bố trên website của cuộc thi. Mỗi tỉnh sẽ chọn 1 em giải Nhất mỗi cấp để tham gia vòng thi Chung kết toàn quốc tại Hà Nội. Riêng 5 tỉnh/thành phố có số lượng thí sinh tham gia đông nhất sẽ chọn rea 2 thí sinh đạt giải cao nhất mỗi cấp tham gia vòng thi toàn quốc.
Đối với các thí sinh lớp 12, tham gia chung kết và đạt giải cao sẽ được xem xét và cấp giấy chứng nhận hoàn thành phần thi lý thuyết GPLX môtô hạng A1.
Tại cuộc họp báo, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi ATGT học đường năm học 2017-2018 cho biết: “Thống kê gần đây, số trẻ em bị TNGT giữ nguyên trong tình hình TNGT nói chung được kéo giảm. Điều này đồng nghĩa với việc tình hình TNGT trẻ em gia tăng. Thời gian tới sẽ xây dựng hành động Quốc gia về ATGT lấy trẻ em làm trung tâm. Theo đó, đảm bảo hạ tầng giao thông, phương tiện an toàn cho trẻ, TTKS xử lý vi phạm, kiến nghị phạt nặng với người lớn không đảm bảo ATGT cho trẻ đi cùng… Và cần có quy định các em 16 tuổi phải học luật và có kỹ năng lái xe an toàn nếu sử dụng xe máy điện”.
Ông Hùng cũng cho biết, kết quả một nghiên cứu ATGT trẻ em tại 15 trường gồm cả mẫu giáo, tiểu học, THCS và THPT với hơn 7 nghìn trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh năm 2016 cho thấy, tỷ lệ vi phạm ATGT rất cao. Cụ thể, tỷ lệ trẻ vi phạm ATGT ở cấp THPT là hơn 74%, THCS 81,6%, tiểu học là 88,4% và mẫu giáo là 96%. Điều này cho thấy trẻ càng nhỏ càng không được cha mẹ quan tâm đảm bảo ATGT cho con.
"Mặc dù trong năm vừa qua, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu rà soát và loại bỏ khá nhiều cuộc thi trên mạng, tuy nhiên vẫn quyết định duy trì cuộc thi Giao thông học đường bởi ý nghĩa thiết trong việc trang bị kiến thức về pháp luật ATGT và hình thành thói quen văn hóa ATGT cho thế hệ trẻ", ông Dương Văn Bá, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.