Diễn ra bức xúc
Trên địa bàn tỉnh, hiện tượng xe khách vận tải hành khách theo hợp đồng, khách du lịch bằng xe ô tô, núp bóng xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động như xe khách tuyến cố định, bán vé thu tiền… đang diễn ra tràn lan. “Bản chất chủ yếu của chủ xe và tài xế là xin phù hiệu xe hợp đồng nhưng lại chạy như xe khách tuyến cố định” - Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT), ông Võ Quang Lâm nói. Trên thực tế, nhiều phương tiện đưa đón khách tận nhà làm gia tăng áp lực giao thông các đô thị. Hoạt động không khác gì xe dù, bến cóc, họ trốn phí bến bãi, trốn thuế và tạo sự không công bằng trong kinh doanh đối với đơn vị vận tải hoạt động chân chính. Một doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách cho hay, loại xe này thường hoạt động theo quy trình: đón người, xếp chỗ, sau đó mới lấy tên, địa chỉ rồi điền vào danh sách hành khách vận chuyển theo hợp đồng lập sẵn, thậm chí ghi khống danh sách để đối phó với đơn vị chức năng. Cùng với đó, mặc dù Quảng Nam không thuộc diện thí điểm đề án ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng tại Hội An và Tam Kỳ đã có một số đơn vị áp dụng hình thức xe du lịch, chở khách theo hình thức xe Uber, Grab...
Thực trạng cạnh tranh không lành mạnh nêu trên gây mất ATGT, xáo trộn tình hình vận tải khách bằng xe ô tô, tạo ra sự không đồng thuận giữa các doanh nghiệp. Theo ông Thái Minh Hoàng - Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 1 (Thanh tra Sở GTVT), bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng vừa qua phát hiện, xử lý 5 xe Uber đón khách tại Hội An mà không có phù hiệu, mang biển kiểm soát của Đà Nẵng (BKS 43). Tuy nhiên, hoạt động của xe trá hình vẫn diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, Ban ATGT tỉnh mới đây xây dựng kế hoạch và tổ chức ra quân kiểm tra xử lý vi phạm hành chính xe khách hợp đồng trên địa bàn. “Qua đây, chúng tôi tiếp tục tăng cường chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với vận tải hành khách. Kiểm tra xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm kinh doanh vận tải, góp phần bảo đảm trật tự vận tải” - Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh, ông Trương Khuê cho biết. Ban ATGT tỉnh quyết định thành lập Tổ liên ngành chuyên đề xe trá hình, nhằm tập trung tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị tham gia kiểm tra và xử lý vi phạm. Đồng thời yêu cầu, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ phải có sự phối hợp nhịp nhàng, chủ động triển khai cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch.
Cao điểm chấn chỉnh
Bắt đầu từ ngày 9.1 đến hết ngày 30.3.2018, Tổ liên ngành chuyên đề xe trá hình bao gồm lực lượng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh, Thanh tra Sở GTVT, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự cơ động Công an TP.Tam Kỳ, TP.Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành được chia thành 2 tổ sẽ ra quân đợt cao điểm. Đối tượng hướng đến là những tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô, tập trung kiểm tra xe khách theo hợp đồng, xe khách du lịch, hoạt động ứng dụng Grab car, Grab taxi (xe taxi sử dụng Grab), Uber… Tuyến xe Quảng Nam đi các huyện, thị, thành phố nội tỉnh và Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi cũng như ô tô hợp đồng bán vé thu tiền, xác nhận đặt chỗ cho khách dưới mọi hình thức sẽ được kiểm soát theo đúng quy trình, quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng còn kiểm tra các điều kiện kinh doanh liên quan, chẳng hạn như về phù hiệu, biển hiệu, niêm yết các nội dung quy định, thiết bị giám sát hành trình, trang thiết bị đảm bảo ATGT; chấp hành việc dừng, đón trả khách theo quy định, hợp đồng vận chuyển, số lượng hành khách, hành trình, lịch trình, lệnh xuất bến; điều kiện kỹ thuật của phương tiện, chất lượng dịch vụ vận tải theo cam kết...
Ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban ATGT tỉnh cho biết, ban ngành chức năng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của tổ liên ngành trong quá trình thực thi công vụ. Đối với cảnh sát giao thông, lực lượng này tiến hành việc dừng phương tiện, kiểm tra phát hiện vi phạm, lập biên bản vi phạm hành chính được căn cứ theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP (ngoài chức năng của Thanh tra GTVT), tạm giữ phương tiện vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật (không có giấy chứng nhận đăng ký, lái xe không có giấy phép lái xe, xe hết hạn kiểm định…). Ngoài phối hợp kiểm tra hoạt động vận tải về dừng đỗ xe, đón bắt khách không đúng nơi quy định, lực lượng cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp Thanh tra Sở GTVT đưa phương tiện tạm giữ về nơi giữ, bảo đảm an toàn khu vực nơi kiểm tra thực địa; lập biên bản vi phạm hành chính được căn cứ theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP theo thẩm quyền. Còn đối với Thanh tra Sở GTVT, lực lượng này kiểm tra phù hiệu, biển hiệu, hành trình, lịch trình, hợp đồng vận chuyển khách, danh sách hành khách. Cạnh đó, soát xét giấy chứng nhận tập huấn đối với lái xe và nhân viên phục vụ trên xe, thiết bị giám sát hành trình trên xe; lập biên bản vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 46/2016/NĐ-CP. “Chúng tôi đề nghị trong quá trình triển khai kế hoạch, nếu có những vướng mắc đột xuất, tình huống bất ngờ khẩn cấp mà vượt quá thẩm quyền thì tổ công tác phải liên lạc với Ban ATGT tỉnh để được chỉ đạo giải quyết kịp thời” - ông Lê Văn Sinh nói.
CÔNG TÚ